Chủ Nhật | 22/02/2015 15:30

Lao động 1 tháng cũng phải đóng bảo hiểm

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ 1/1/2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1-3 tháng bắt buộc phải tham gia đóng BHXH.

Bổ sung nhiều điểm mới trong Luật bảo hiểm

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội vừa giới thiệu một số điểm mới trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Luật bảo hiểm xã hội hiện hành có kết cấu gồm 11 chương và 141 điều. Luật Bảo hiểm xã hội đã kế thừa kết cấu của luật hiện hành trên cơ sở bỏ 1 chương về bảo hiểm thất nghiệp, gồm chương IX khiếu nạn, tố cáo về bảo hiểm xã hội và chương X khen thưởng và xử lý vi phạm của luật hiện hành thành một chương. Theo đó, Luật bảo hiểm xã hội gồm có 9 chương và 125 điều.

Theo Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Luật bảo hiểm xã hội mới đã có khá nhiều điểm mới đáng chú ý như mở rộng đối tượng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện, cách tính hưởng lương hưu, mức đóng...
 

  Ảnh minh họa

Luật bảo hiểm xã hội mới có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Ảnh minh họa 


Theo đó, Luật  bảo hiểm xã hội mới bổ sung đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc với 3 nhóm đối tượng là: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 - 3 tháng (áp dụng từ 1/1/2018); người họat động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (1/1/2016); người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quền của Việt Nam cấp (áp dụng từ ngày 1/1/2018).

Đặc biệt, nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, Luật mới đã có nhiều hướng mở với nhiều ưu đãi. Trong đó, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, lấy mức đóng là nền chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn, thay vì mức lương tối thiểu như hiện nay. Người tham gia bảo hiểm xã hội có thể đóng một lần (đóng cả cho những năm trở về trước, hoặc những năm tới), để đủ 20 năm được hưởng lương hưu.

Liên quan đến việc thanh tra bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm xã hội mới cũng bổ sung thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội. Bổ sung cơ  quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Khó tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội ở khu vực phi chính thức

Chia sẻ với báo chí về câu chuyện liên quan đến những đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, tại buổi tọa đàm báo chí về những điểm mới trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, vừa được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tổ chức, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cho rằng, để mở rộng bảo hiểm xã hội đối tượng này là rất khó khăn, vì vậy rất cần sự hỗ trợ cụ thể về mặt tài chính từ phía Nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, thực tế nhiều chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi nhưng khá nhiều người dân không nắm rõ. "Chúng ta có thành công như mong muốn hay không thì phụ thuộc vào chúng ta. Nếu tuyên truyền thì phải xem hiệu quả là có đến được với người dân không. Và để thành công thì chính sách quyết định 30%, nhưng cách thức thực hiện quyết định 70%. Nếu công chức vẫn với cách làm “xỏ chân vào gầm bàn” thì kết quả những năm sau sẽ vẫn như thế, không thể tăng số người tham gia bảo hiểm tự nguyện được", ông Phạm Minh Huân chia sẻ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cho rằng, Luật bảo hiểm xã hội mới có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng bền vững cho hệ thống bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến cách tính hưởng lương hưu bằng cách tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là chia trung bình cho toàn thời gian đóng bảo hiểm, bà Trần Thị Thúy Nga cũng cho biết, cách tính này chỉ áp dụng với đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm từ ngày 1/1/2025 và tối thiểu đến năm 2045, những đối tượng này mới được lĩnh lương hưu. Còn với những đối tượng đóng trước năm 1995 thì thời gian để tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm cuối.

Còn từ 1/1/1995 – 31/12/2000 số thời gian chia trung bình là 6 năm cuối; từ 1/1/2001 – 31/12/2006, số thời gian chia là 8 năm cuối; từ 1/1/2007 – 31/12/2015, số thời gian chia là 10 năm cuối; từ 1/1/2016 – 31/12/2024 sẽ chia làm 2 giai đoạn, chia thành 15 và 20 năm cuối.

Bên cạnh đó, tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội cũng có lộ trình tăng lên. Theo đó, từ 1/1/2016 – 31/12/2017, tiền lương tháng đóng là mức lương và phụ cấp theo lương; từ 1/1/2018 trở đi, mức đóng sẽ là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. 

Nguồn VnMedia