Lao đao với cây mía
Huyện Thới Bình là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh với diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nguồn lợi thu về từ cây mía ở địa phương này luôn không ổn định, làm cho diện tích trồng mía ngày một teo tóp dần. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm thì cứ phình ra.
Ông Đỗ Văn Thắng, xã Trí Lực, bộc bạch: "Giá mía không ổn định nên mỗi khi bắt đầu niên vụ mới không chỉ tôi mà bà con trồng mía nơi đây phải hồi hộp chờ đợi. Năm nào may mắn được mùa thì phấn khởi, còn không đành chịu bán tháo. Có người còn để mía trổ cờ không bán, vì có bán cũng như cho thì đau lòng lắm".
Thời gian qua, có nhiều biện pháp, chính sách được đưa ra để vực dậy nghề trồng mía. Trong đó, có cả việc ký kết hợp đồng với nhà máy đường để bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp này vẫn chưa thấy được là bao.
Nhiều nông dân trồng mía có lúc phải chịu vận chuyển đi nơi khác bán để mong có được lợi nhuận cao hơn, mặc dù đây là một việc làm gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, giá trị hợp đồng đã ký kết.
Đâu là giải pháp?
Một thiệt thòi của người trồng mía, đó là họ không thể dự đoán được đầu ra của sản phẩm mình làm ra.
Năm nay, dự đoán cây mía sẽ gặp nhiều khó khăn ở đầu ra. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho cả nước lên đến hàng trăm ngàn tấn. Vì vậy, số lượng mía mà các nhà máy đường mua cũng như giá cả như thế nào là một câu hỏi lớn đối với người nông dân.
Một nghịch lý khác, đó là dù đường tồn kho nhiều nhưng hiện chúng ta vẫn nhập khẩu đường. Đó là chưa kể đến tình hình nhập lậu, đã trở thành một vấn nạn gây ảnh hưởng lớn đến người trồng mía của cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng, vẫn chưa khắc phục được.
Hiện đường trong nước vẫn rất khó cạnh tranh ở cả trên sân nhà, bởi thực tế nhiều năm qua giá đường trong nước vẫn ở mức cao so với đường nhập khẩu. Vì vậy, vấn đề tồn kho là không tránh khỏi.
Trong khi các ngành chức năng, những đơn vị liên quan vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước, nông dân vẫn cứ phải thấp thỏm lo âu. Họ không nhận được một sự bảo đảm nào về giá trị kinh tế của cây mía sẽ mang lại thì rất khó để đòi hỏi họ an tâm gắn bó với cây mía.
Chính vì những nguyên nhân đó mà trước khi chờ các ngành chức năng đưa ra giải pháp để cứu ngành mía đường thì nông dân họ phải tự cứu lấy mình. Họ đã và đang làm nhiều cách như thực hiện mô hình đa cây, đa con lấy ngắn nuôi dài để chờ cây mía có giá hoặc phá bỏ cây mía.
Có lẽ các ngành chức năng không nên đòi hỏi người nông dân phải duy trì và tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu mía của tỉnh theo kế hoạch. Bởi lẽ, khi đưa ra mục tiêu kế hoạch thì cũng phải có giải pháp thực hiện hiệu quả chứ không chỉ là tuyên truyền và vận động suông.
Nguồn Cà Mau