Lao đao vì ‘vàng trắng' mất giá
Từng được xem là “vàng trắng” vì mang lại giá trị cao nhưng từ khi cao su tụt giá đã đẩy nhiều nông dân lâm vào cảnh trắng tay, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.
Hơn 20.000 lao động nghỉ việc
Anh Lâm ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước cho biết từ cuối năm 2015, anh đã phải chặt bỏ hơn 10 ha cao su vì giá mủ xuống quá thấp. Anh dự định sau khi chặt cao su sẽ thay thế bằng cây khoai mì nhưng thấy giá khoai mì cũng lên xuống bấp bênh nên quyết định cho thuê đất với giá 15 triệu đồng/ha/năm.
“Giá mủ cao su nước những tháng đầu năm nay tiếp tục giảm thê thảm, xuống dưới mức 6.000 đồng/kg. Mức giá này chưa bằng 1/3 so với năm 2011. Do giá lao dốc nên nhiều vườn cao su đã ngừng cạo mủ. Bởi dù có thu hoạch cũng lỗ nặng, chi phí thuê nhân công, tiền phân bón… chiếm hết lợi nhuận” - anh Lâm than thở.
Tương tự, ông Đỗ Đức Oánh, chủ trang trại cao su ở Chơn Thành, Bình Phước than thở dù không có đồng lợi nhuận nào nhưng vẫn phải chăm sóc vườn cao su 36 ha. Ông Oánh nói: “Từ cuối năm ngoái đến nay giá cao su đã chạm đáy. Để tránh thua lỗ nặng, tôi phải tiết giảm các chi phí sản xuất như bốn ngày mới cạo mủ một lần, thay vì hai ngày cạo một lần như trước đây”.
Không chỉ ông Oánh, anh Lâm mà hàng ngàn nông dân trồng cao su khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng trong năm ngoái đã có đến 6.000 ha cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng tiêu, điều và các loại cây ngắn ngày. Trong đó Bình Phước và Tây Ninh có diện tích cao su bị chặt bỏ nhiều nhất với khoảng 1.800 ha/tỉnh. Tuy nhiên, thực tế diện tích cao su bị chặt bỏ có thể còn cao hơn con số này.
Ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), cho biết liên tiếp trong vài năm gần đây, giá cao su thiên nhiên thế giới giảm mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Đặc biệt người lao động trong ngành bị tác động nhiều nhất. Thu nhập bình quân năm 2015 của người lao động giảm gần 6% so với năm trước đó.
“Đứng trước tình hình này, nhiều lao động tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất cao su đã xin nghỉ việc. Đồng thời các công ty cũng sắp xếp lại lao động, chuyển sang chế độ cạo mủ ít hơn nên nhiều người cũng bỏ đi tìm việc khác. Tính đến cuối năm ngoái, hơn 22.000 người đã nghỉ việc” - ông Thoại nói.
Khai thác thị trường cao cấp
Theo số liệu của cơ quan chức năng, xuất khẩu cao su năm 2015 đạt 1,1 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu thấp, bình quân chỉ đạt 1.346 USD/tấn nên trị giá chỉ 1,53 tỉ USD. Trong khi đó lượng cao su xuất khẩu cả năm 2011 khá khiêm tốn, chỉ 846.000 tấn nhưng kim ngạch đạt 3,3 tỉ USD.
Như vậy, tính ra nếu so với năm 2011, lúc cao su được giá nhất thì năm ngoái ngành cao su nước ta mất gần 1,8 tỉ USD, tương đương hơn 39.900 tỉ đồng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều DN xuất khẩu cao su bị thiệt hại nặng. Đại diện một công ty cao su cho biết giá cao su liên tục xuống dốc, cộng thêm Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ nên công ty lỗ hàng tỉ đồng. Hiện tại công ty phải giảm sản lượng cao su mủ sơ chế xuất khẩu xuống 30%, còn lại xuất khẩu các sản phẩm làm từ cao su và tiêu thụ nội địa.
Làm sao để giải quyết bài toán khó của ngành cao su? Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM, thông tin mỗi năm Việt Nam sản xuất cả triệu tấn mủ cao su. Song lượng hàng dùng để chế biến sản phẩm cao su công nghiệp như săm lốp, găng tay, thun, linh kiện kỹ thuật... chỉ mới chiếm khoảng 16%-18% tổng sản lượng. Hơn 80% còn lại là xuất khẩu thô giá trị thấp.
“Do vậy cần phải đặt trọng tâm phát triển công nghiệp săm lốp ô tô, xe máy, xe đạp… nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Từ đó mới có thể thúc đẩy tiêu thụ cao su thiên nhiên cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm cao su nhằm cạnh tranh với các nước” - ông Anh gợi ý.
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, cũng cho hay tập đoàn đã nhận thức được điều này nên đang chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp cao su, tập trung vào các sản phẩm như chỉ sợi, găng tay cao su, bóng thể thao, nệm gối cao su, chỉ thun... Đây là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhìn nhận giá bán cao su Việt Nam vẫn thấp so với các nước. “Nguyên nhân chính là do chất lượng không ổn định, không đồng đều” - ông Tuấn chỉ rõ.
Từ đó, ông Tuấn gợi ý ngành cao su có thể khai thác tốt thị trường sẵn có và thị trường cao cấp đầy tiềm năng. Ví dụ Nhật Bản có thể nhập khẩu 200.000 tấn mủ cao su chất lượng cao trong khi Việt Nam chỉ mới xuất được 700 tấn. “Khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ ngày càng lớn. Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này” - ông Tuấn nói.
Nhiều ý kiến khác thì gợi ý người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng trồng xen canh, chăn nuôi kết hợp chứ không nên chặt bỏ cao su.
Liên tục lao dốc Từ mức 70-80 triệu đồng/tấn, giá cao su giảm xuống mức 37 triệu đồng/tấn vào năm 2014. Đến 2015 giá cao su tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 30,5 triệu đồng/tấn. Không chỉ vậy, theo dự báo của VRG, trong năm nay giá cao su sẽ tiếp tục giảm sâu, dự kiến chỉ đạt khoảng 26 triệu đồng/tấn, giảm hơn 5 triệu đồng/tấn so với năm ngoái. |
Nguồn Pháp luật TP.HCM