Lãnh đạo mới của Eximbank sẽ làm gì?
Eximbank thêm lần nữa thay đổi về nhân sự, gắn liền với việc ngân hàng này bị cảnh báo trên thị trường chứng khoán vì thua lỗ năm đầu tiên. Dù biết ngành ngân hàng gần đây gặp nhiều khó khăn, song việc “cổ phiếu vua” một thời bị cảnh báo trên thị trường chứng khoán là bằng chứng mới nhất cho thấy ngành ngân hàng còn chưa “dễ thở”.
Vì sao Eximbank bị cảnh báo? Đó là do khoản thua lỗ vì hồi tố lại lợi nhuận trong năm 2014. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của Eximbank là 114 tỉ đồng, nay đã được điều chỉnh còn âm 834,5 tỉ đồng.
Đây là kết quả của sự điều chỉnh theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào tháng 10.2015. Eximbank sẽ phải ghi nhận giảm thu nhập do bán tài sản không đúng quy định. Khoản lợi nhuận do bán bất động sản cho công ty liên kết khi đó là Eximland được ghi nhận trong suốt giai đoạn 2010-2015. Kết quả này ghi nhận vào phần lỗ lũy kế chưa phân phối trong bảng cân đối tài sản, tức chỉ còn cách chờ phục hồi nhờ lấy lợi nhuận từ năm nay trở đi để bù đắp.
Không chỉ có “cục nợ” treo lơ lửng trên đầu, hoạt động trong năm 2015 của Eximbank đang bị chững lại. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 chỉ còn gần 40 tỉ đồng, vì chi phí trích lập dự phòng lên đến gần 96% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, trong khi năm trước đó nữa là 70% (vẫn ở mức cao so với ngành).
Doanh thu và lợi nhuận của Eximbank qua các năm |
Đây là thông tin không mới ở Eximbank, bởi phần lợi nhuận trước thuế suy giảm và cả khoản lỗ lũy kế đã được dự trù từ cuối năm 2015. Khoản lỗ này được cho là gắn liền với ban quản trị và điều hành trước đây. Trong khi theo ban quản trị và điều hành mới, Eximbank không còn cách nào khác ngoài việc phải đối diện với thực tế. Theo ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, Ngân hàng đang hướng đến con đường minh bạch hóa trong hoạt động, dù cũng có tác động song song là gây thiệt hại đến cho cổ đông và nhân viên của Eximbank.
Thực ra, sự tăng trưởng của ngân hàng, cũng giống như một doanh nghiệp, phụ thuộc nhiều vào định hướng của người lãnh đạo. Eximbank đang chờ những cú hích như thế. Sau nhân tố mới là ông Quốc được bầu chọn vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đầu tháng 4 vừa qua, ngân hàng này mới chính thức trao chiếc ghế Tổng Giám đốc cho ông Lê Văn Quyết.
Ông Quyết là nhân tố mới sau loạt thay đổi nhân sự cấp cao ở Eximbank trong thời gian qua. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cá nhân đã kinh qua chiếc ghế nóng này, bao gồm cả chức quyền Tổng Giám đốc, có thể kể đến ông Trương Văn Phước, ông Nguyễn Quốc Hương, ông Phạm Hữu Phú và ông Phạm Tấn Lộc. Trên thực tế, thông tin ông Quyết giữ cương vị điều hành cao nhất đã được đưa ra từ hồi giữa tháng 3, nhưng đến thời điểm này mới là chính thức sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Như vậy, hai chiếc ghế nóng Chủ tịch và Tổng Giám đốc cuối cùng đã được trao cho ông Quốc và ông Quyết. Vậy đâu là nền tảng giúp họ vực dậy Eximbank? Ông Quốc có lý lịch khá ấn tượng trong lĩnh vực ngân hàng, chủ yếu là ở các ngân hàng ngoại như BNP Paribas Việt Nam (giữ vị trí Tổng Giám đốc), BNP Paribas Singapore, Banque Nationale de Paris, BNP Canada và ngân hàng nội là OCB (Phó Tổng Giám đốc, Phó Trưởng ban Kiểm soát).
Ông Quốc cũng là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, người không nắm giữ cổ phần của ngân hàng được ứng cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng ông Quốc đồng thời giữ chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Âu Lạc, trong khi một nhân tố mới gia nhập Hội đồng Quản trị của Eximbank là ông Ngô Thanh Tùng, cũng đồng thời nằm trong Hội đồng Quản trị của Âu Lạc.
Trong khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị có tính hướng ngoại nhiều hơn thì vị Tổng Giám đốc lại hướng nội. Ông Quyết là người từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai, đã kinh qua chức vụ Giám đốc Vietcombank Biên Hòa. Giống như Sacombank, Ngân hàng Đông Á, Eximbank cũng đang được điều hành bởi người của những ngân hàng quốc doanh lớn.
Ông Quyết là người hoàn toàn mới tại Ngân hàng và chưa cọ xát với Eximbank, như chính ông thừa nhận. Vì vậy, con đường ông đi hoàn toàn không dễ dàng. “Việc tôi sắp làm tại Eximbank khác xa với những gì tôi đã làm trước đây”, ông Quyết cho biết.
Liệu Eximbank có “thay da đổi thịt” với ban điều hành mới? Thực ra, câu hỏi này đã được đưa ra quá nhiều lần ở Eximbank. Có lẽ, câu hỏi nên đặt ra lúc này là chuyển động nhân sự ở Eximbank bao giờ mới kết thúc, bởi sắp tới vẫn là kỳ họp đại hội cổ đông thường niên năm 2016. Vấn đề nhân sự vẫn chưa có lời giải cụ thể và rõ ràng. Dù vậy, cổ đông vẫn có một thông tin đáng trông chờ trước thềm đại hội, đó là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Eximbank trong quý I vừa qua ước khoảng trên 500 tỉ đồng, huy động vốn đã tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm ngoái.
Thanh Phong