Lãnh đạo Dragon Capital: Cấu trúc cổ đông đang cản trở quản trị công ty
Phát biểu tại diễn đàn này, ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư của Dragon Capital cho biết, cấu trúc cổ đông cũng như văn hóa của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam tạo nên khó khăn rất lớn cho việc áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, đặc biệt là mô hình quản trị độc lập.
Theo ông Điền, đa số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đều có cổ đông đến từ 3 nhóm chính.
Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp đi lên từ doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Nhóm này chủ yếu là các doanh nghiệp tương đối lớn, Nhà nước nắm trên 51% vốn cổ phần. Khi Nhà nước nắm cổ phần lớn như vậy thì họ là cổ đông lớn và nắm quyền giải quyết tất cả vấn đề. Các thành viên tham gia HĐQT khi muốn quyết định vấn đề gì đều phải xin ý kiến của cổ đông lớn và sau đó họ bỏ phiếu giống nhau. "Không hề có ý kiến khác nhau vì sẽ gây ra mâu thuẫn nội bộ", ông nói.
Thứ hai là doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, nếu không phải là doanh nghiệp nhà nước thì sẽ là do các ông chủ lớn lập ra. Họ cũng sẽ chiếm tới 50% vốn của công ty và là cổ đông lớn, do vậy họ không muốn công ty đi lệch hướng nên sẽ cử người tham gia vào HĐQT, chi phối HDQT.
Thứ ba là cổ đông cá nhân tham gia công ty không có những hướng quản lý dài hạn, chỉ ra quyết định mua ra bán vào chứ không tham gia quản trị công ty.
Ở Việt Nam không có nhiều ví dụ tốt về quản trị doanh nghiệp. Việc nâng cao vai trò của quản trị doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của các thành viên không điều hành bị hạn chế do cấu trúc cổ đông, vị Giám đốc của Dragon Capital nói.
Ông cho biết, mặc dù trên luật, với các công ty lớn phải có thành viên HĐQT không điều hành, thành viên độc lập nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp gần đây có sự biến tướng của HĐQT.
Có đơn vị lập ra hội đồng sáng lập và thường trực HĐQT, đây là một cách lách luật làm ảnh hưởng đến HĐQT. Hội đồng sáng lập gồm những cổ đông lớn, không tham gia HĐQT, ban điều hành nhưng lại ảnh hưởng đến mọi quyết định của HĐQT và các ủy ban, khiến công ty hoạt động không bền vững, ông Điền phát biểu.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ phát hành chứng khoán - Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, qua giám sát, phần lớn các công ty về mặt hình thức thì có thể đáp ứng tính độc lập, song nếu thực sự thì rất ít doanh nghiệp làm được, nhiều thành viên HĐQT vẫn chưa thực sự có chính kiến.
Do vậy, việc đánh giá HĐQT thực sự có ý nghĩa khi thay đổi được cơ cấu HĐQT, văn hóa HĐQT, ông Hải phát biểu.
Về phía Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cơ quan này đã ban hành cũng Thông tư 121 (có hiệu lực từ 17/9/2012) quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng. Thông tư này yêu cầu sẽ yêu cầu tăng cường hơn nữa tính độc lập của HĐQT và tăng cường sự minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty.
Theo đó, Thông tư 121 quy định số lượng thành viên HĐQT công ty đại chúng ít nhất là 3 người và nhiều nhất là mười một 11 người. Cơ cấu HĐQT cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính và lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty.
Đặc biệt, trong HĐQT phải có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT không điều hành. Ông Hải dẫn thống kê của một cơ quan cho hay, hiện Việt Nam có 600 doanh nghiệp niêm yết, mỗi doanh nghiệp thường có 6-7 thành viên HĐQT. Nếu theo Thông tư 121, mỗi doanh nghiệp cần 2 thành viên HĐQT độc lập, song một số người vừa là thành viên HĐQT độc lập tổ chức này lại làm nhiệm vụ ở công ty khác.
"Do vậy, cần tối thiểu 200 thành viên HĐQT độc lập, tại Việt Nam có 80 triệu người, chẳng lẽ không tìm được 200 người hay sao?", ông phát biểu trước câu hỏi liệu có thực hiện được quy định có 1/3 thành viên HĐQT là độc lập hay không.
Liên quan đến chế tài cho các công ty vi phạm quy định Thông tư 121, lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán cho biết, nếu chỉ có xử phạt hành chính thì không có nhiều hiệu quả, do vậy cần có những cưỡng chế mềm. Ví dụ như có thể thực hiện đánh giá mức độ quản trị công ty theo các thẻ điểm. Khi công bố thẻ điểm này, công ty nào không đạt yêu cầu có thể không bị phạt nhưng sẽ bị ảnh hưởng do nhà đầu tư sẽ không tham gia vào các công ty có mức quản trị thấp.
Nguồn Khampha