Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thái Lan Surapong Tovichakchaikul sẽ tham dự hội nghị.

Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission-viết tắt là MRC) được thành lập ngày 5/4/1995 tại Chieng Rai, Thái Lan, gồm bốn thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam.

Khi thành lập, mục tiêu chính của Ủy hội sông Mekong là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân trong lưu vực.

Trung Quốc và Myanmar mặc dù cũng là quốc gia ven sông nhưng không tham gia ký kết Hiệp định Mekong và gia nhập Ủy hội sông Mekong mà chỉ tham gia với tư cách là các đối tác đối thoại.

“Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững sông Mekong” (gọi tắt là Hiệp định Mekong 1995) được các nước tham gia Ủy hội ký kết khi mới được thành lập (vào ngày 5/4/1995).

Theo Hiệp định Mekong 1995, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.

Các vấn đề liên quan hợp tác Mekong luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng.

Với Việt Nam, Hiệp định Mekong 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Việt Nam luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mekong, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong Ủy hội, đóng góp tích cực nhất cho các chương trình hoạt động của Ủy hội cả về kinh phí, chuyên gia và thông tin số liệu.

Tiếp nối Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất tại Hua Hin (Thái Lan - 2010), Hội nghị cấp cao lần thứ hai diễn ra ở Việt Nam vào ngày 5/4 tới sẽ tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội trong hợp tác vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng tới phát triển bền vững lưu vực Mekong.

Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng, và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mekong," hội nghị sẽ tập trung khẳng định lại cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong; và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đây cũng là sự kiện chính trị cấp cao của các nước trong tiểu vùng Mekong, khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội sông Mekong, góp phần tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước đối tác và cộng đồng quốc tế./.