Chủ Nhật | 20/10/2013 10:07

Lãng phí đang diễn ra ở đâu?

Năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đăng ký tiết kiệm 11.816 tỷ đồng.
Nhận xét ý thức về thực hành tiết kiệm của hầu hết người dân đã được đề cao, song Chính phủ cũng chỉ ra không ít điều ngược lại trong khu vực nhà nước, tại báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội.

Trước hết, trong chi ngân sách nhà nước, báo cáo cho biết 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt khoảng 383 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước năm 2013.

Qua đó đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, của 16.200 lượt đơn vị, từ chối chưa thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định khoảng 663 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã triển khai 1.353 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

Với quản lý nhà nước về tài sản công, lĩnh vực đang có khá nhiều tai tiếng, theo đánh giá của Chính phủ là đã từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sử dụng tài sản công không đúng tiêu chuẩn, nhất là đối với xe ôtô công. Nhưng, không có con số so sánh nào được đưa ra để minh chứng cho sự "nhất" này.

Trong quản lý mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ khẳng định đã thực hiện theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước chỉ mua mới 168 xe ôtô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng (khối bộ, ngành 45 xe, nguyên giá 66,2 tỷ đồng; khối địa phương 123 xe, nguyên giá 153,1 tỷ đồng).

Vẫn theo Chính phủ, công tác thanh tra các dự án đầu tư sử dụng tiền, tài sản của nhà nước tiếp tục được tăng cường và thu được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 556 cuộc thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, đã hoàn thành 283 cuộc, qua đó kiến nghị xử lý vi phạm khoảng 234 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về NSNN 89 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 90 tập thể, 136 cá nhân có vi phạm.

Rất được Quốc hội quan tâm là việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo cho hay, năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã xây dựng và đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý, với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi phí quản lý là 1.912 tỷ đồng và tiết kiệm các chi phí khác 9.904 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng cho thấy việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp còn nhiều bất cập, như quản lý nợ còn chưa chặt chẽ, hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn chưa cao...

Các doanh nghiệp nhà nước hiện đang quản lý, khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên, vốn, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Song, tại một số doanh nghiệp, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí, chưa tiết kiệm nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao, đầu tư ra ngoài ngành còn lớn nhưng tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đánh giá về kết quả thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, Chính phủ cho rằng năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân bị giảm sút. Trong bối cảnh đó, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của hầu hết người dân đã được đề cao.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tỏ thái độ không đồng tình với đánh giá tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về "một số bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí". Bởi "giá điện, xăng đều tăng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dân nghèo lấy đâu ra mà lãng phí?".

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, nhiều cơ quan nhà nước lãng phí mắt thường cũng nhìn thấy song báo cáo của Chính phủ lại chưa đánh giá đúng mức.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện