Hải Vân Thứ Tư | 12/12/2018 11:22

Làn sóng đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không

Để đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế.

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến, đến năm 2020, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 131 triệu hành khách/năm và 2,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Hàng không Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đứng thư tư trong ASEAN về sản lượng vận chuyển, phát triển đội tàu bay và hệ thống cảng hàng không, theo.

Tỉnh muốn đầu tư cảng

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế, trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm.

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không, Quyết định 236 đã đưa ra các định hướng quy hoạch phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng tập trung cho phát triển thêm các đường bay theo mô hình hoạt động “điểm - điểm”; khuyến khích việc mở các chuyến bay quốc tế đi/đến các cảng hàng không có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch...

Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2018 của Bộ Công thương ghi nhận, đang có 22 cảng hàng không hoạt động, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa. Trong 22 cảng hàng không này, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới đi vào hoạt động năm 2018, cho thấy làn sóng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, đang diễn ra mạnh mẽ.

Lan song dau tu tu nhan vao ha tang hang khong

Lào Cai xin phép triển khai dự án sân bay Sa Pa theo tiêu chuẩn 4C với tổng quy mô đầu tư lên đến 5.800 tỉ đồng. Dự án có thể tiến hành theo phương thức BOT với mục tiêu đạt công suất 1,5 triệu lượt khách/năm.

Ngoài Lào Cai, các tỉnh khác cũng đề xuất đầu tư cảng hàng không trong đó phải kể đến Bình Thuận với dự án sây bay trị giá 5.600 tỉ đồng, Vũng Tàu với dự án sân bay Gò Găng và sân bay Lộc An để phục vụ cho Khu du lịch Hồ Tràm Strip.

Tư nhân làm sân bay

Mới nhất trong làn sóng đầu tư sân bay là việc lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng Tập đoàn FLC đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về dự án nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế, dự kiến nâng công suất từ 500.000 lượt hành khách hiện nay lên 10 triệu lượt vào năm 2020.

 Một trong những điển hình của gia tăng đầu tư tư nhân đã được thực hiện là Cảng hàng không Vân Đồn. Cảng hàng không Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng, sân bay quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sungroup đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Đây là điểm khác biệt của sân bay Vân Đồn với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.

Vân Đồn được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt là Cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO). Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hiện đại với đường cất hạ cánh dài 3,6km, rộng 45m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hoá và hành khách lớn.

Lan song dau tu tu nhan vao ha tang hang khong
Sân bay Vân Đồn

Với tổng diện tích gần 27.000m2, nhà ga được thiết kế gồm 2 cao trình đến và đi riêng biệt, có 4 cầu hành khách cho máy bay và 4 vị trí bãi đỗ xa (giai đoạn 1). Đến năm 2030 (giai đoạn 2) có thể đủ công suất tiếp nhận 15 máy bay cùng lúc.

Trong năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thành và đang triển khai xây dựng hàng loạt nhà ga tại các cảng hàng không trên cả nước để nâng công suất phục vụ hành khách.

 Cho đến hết năm 2018, Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành mở rộng 2 nhà ga T1, T2 sau khi đi vào hoạt động sẽ nâng công suất mỗi nhà ga đáp ứng được 15 triệu hành khách. Cảng hàng không Nội Bài cũng kết thúc cải tạo nhà ga T1 và đang triển khai mở rộng, cải tạo nhà ga T2.

Sân bay Phù Cát (Bình Định) cũng đã đưa vào khai thác nhà ga mới. Trong năm 2018, nhà ga sân bay quốc tế Phú Quốc và nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh cũng được đưa vào khai thác.

 Năm 2018, ACV đã xây dựng kế hoạch dài hạn của Tổng công ty và trình Bộ phê duyệt kế hoạch năm 2018. Riêng về đầu tư xây dựng cơ bản và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho triển khai 5 dự án nhà ga Vinh, Phú Bài, Cát Bi đạt 5 triệu hành khách/năm và 2 nhà ga Tân Sơn Nhất, Chu Lai dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2019, theo Cục Hàng không Việt Nam.  

Vận tải hàng không và hạ tầng liên quan

    Theo đánh giá của Bộ Công thương, Vận tải hàng hóa hàng không là phương tiện chủ lực trong thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, ngoài tàu bay thì hệ thống kết nối phức tạp và dịch vụ hàng hóa còn thủ công dẫn tới tốc độ và sản lượng xử lý ra vào các cảng còn rất chậm.

    Hơn nữa, tại Thành phố Hồ Chí Minh và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhưng chỉ có 2 ga hàng hóa hàng không và không có nơi nào được quy hoạch cho dịch vụ hàng thương mại điện tử.

    Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cho thương mại điện tử phải thuê các địa điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vốn nằm xen lẫn với doanh trại quân đội hay khu dân cư, đường giao thông kết nối rất khó khăn, chia sẻ nhau hoặc tận dụng những khoảnh diện tích 2.000-3.000m2.

    Tại Nội Bài và Hà Nội, dù có không gian rộng lớn hơn so với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng chưa có khu vực quy hoạch dài hạn cho hàng hóa thương mại điện tử. Hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không ngoài chi phí cao thì áp lực về mặt thời gian thông quan cũng là một áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.