Làn sóng đầu tư mới đang chờ cơ hội vào Việt Nam
Trao đổi với PV Lao Động, ông Vuylsteke khẳng định có một làn sóng đầu tư tiềm năng đang đón đợi cơ hội để vào Việt Nam.
Ông Vuylsteke cho biết, AmCham Hồng Kông đại diện cho rất nhiều các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Mỹ, Nhật, Đài Loan (TQ) và Trung Quốc... Theo ông, xu hướng của các tập đoàn này là không muốn tập trung công xưởng, tài sản ở một nơi, đơn cử là Trung Quốc, nhằm tránh rủi ro khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, họ muốn đa dạng hóa các điểm đầu tư và Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
“Đây là lý do phái đoàn thương mại của AmCham Hồng Kông đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để có thể đối thoại với các quan chức chính quyền, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu về triển vọng đầu tư trong thời gian tới’ - ông nói.
Tuy nhiên, ông Vuylsteke cho rằng có 3 vấn đề lớn mà Việt Nam cần chú trọng để đón dòng đầu tư mới. Trước hết, Việt Nam cần chuẩn bị một “quỹ” đất lớn dành cho các khu công nghiệp để xây nhà máy. “Chúng tôi không nói về những khu đất 50ha hay 70ha, mà phải lớn hơn nhiều. Vì khi xây dựng một nhà máy, các doanh nghiệp sẽ muốn các đối tác trong chuỗi cung có cơ sở ngay gần cạnh nhằm giảm thời gian chuyển giao hàng” - ông nói.
Hai vấn đề còn lại - theo ông Vuylsteke - là điện năng và nguồn cung cấp nước. “Các nhà máy lớn sẽ cần có nguồn cung điện năng lớn để hoàn tất đúng hạn các đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, xu hướng của các công ty lớn đều hướng đến một nền kinh tế xanh, nên họ muốn được đảm bảo về nguồn nước cũng như quy trình tái chế nước thải” - ông Vuylsteke lý giải.
Phái đoàn doanh nghiệp do ông Vuylsteke dẫn đầu cũng quan tâm đến triển vọng Việt Nam hoàn tất đàm phán và gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ tịch AmCham Hồng Kông xác nhận Mỹ đang dành sự quan tâm lớn tới việc Việt Nam gia nhập TPP, bởi vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam, tiềm năng dân số, và “sự nổi lên của kinh tế Việt Nam kể từ khi mở cửa vào năm 1986 với những bước đi đúng đắn và mạnh mẽ”.
“Trong 3-4 năm vừa qua, tiến trình tăng trưởng tại Việt Nam đang chậm lại. Tôi nghĩ, Mỹ mong đợi TPP có thể giúp nền kinh tế Việt Nam trở lại đúng đường ray để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo” - ông nói.
Chủ tịch AmCham Hồng Kông Vuylsteke cho rằng, “lời mời đã có”, song quyết định có gia nhập hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào quyết tâm của Việt Nam. “Việt Nam nên xem xét việc gia nhập TPP một cách nghiêm túc. Trong đàm phán, không có bên nào ăn cả, và cũng không ai ngã về không. Tất cả đều sẽ phải dựa trên nguyên lý có trao - có nhận” - ông nói.
(Theo LĐ)