Làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam
Mới đây, chuỗi café sạch Kafe Group của cô gái trẻ Đào Chí Anh đã nhận được tới 5,5 triệu USD, tương đương với 121 tỷ đồng từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển chuỗi nhà hàng của mình tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác. Đây được xem là một trong những thương vụ gọi được vốn lớn nhất trong cộng đồng startup (tạm dịch là khởi nghiệp) Việt Nam.
Sau hơn hai năm thành lập, Kafe Group đã có tổng cộng 12 cửa hàng. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 26 cửa hàng vào cuối năm nay.
Lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Một startup là Foody mới đây cũng huy động được sự tham gia của quỹ mạo hiểm hàng đầu thế giới là Tiger Global trong kế hoạch tấn công vào thị trường đông dân nhất Đông Nam Á là Indonesia.
Bên cạnh thị trường thực phẩm, các lĩnh vực khác cũng nhận được sự quan tâm lớn của các quỹ. Đầu tháng 10, nhà bán lẻ trực tuyến các sản phẩm cho trẻ nhỏ là Taembe đã nhận được 228.000 USD từ các quỹ đầu tư được dẫn đầu bởi Swiss Founders Fund.
Được thành lập vào 2013, startup này đã đánh đúng vào nhu cầu ngày càng tăng mạnh của các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ và ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu trong năm nay có thể lên đến 20%. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy hiện có 19% người tiêu dùng ở Việt Nam đang nuôi con nhỏ trong độ tuổi 1-2 tuổi, trong khi mức trung bình toàn cầu chỉ khoảng 9%.
Một startup khác là OnOnPay với các sản phẩm tập trung vào cơ chế chi trả thông qua điện thoại di động mới đây cũng nhận được khoản đầu tư trị giá hơn 100.000 USD từ quỹ đầu tư của Singapore là Captii Ventures.
Gần đây, quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là 500 Startup đã đánh tiếng sẽ mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam từ con số 4 hiện nay lên đến 20 trong hai năm tới. Trong khi tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong nước là FPT tuyên bố đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với mục tiêu giải ngân 3 triệu USD mỗi năm cho các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Thậm chí một số chuyên gia đã đánh giá rằng, Việt Nam có khả năng nhận được tới 1 tỷ USD vốn đầu tư của các quỹ mạo hiểm trong các năm tới nếu mọi chuyện diễn biến thuận lợi.
Không khí sôi động của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước là một tín hiệu rất tích cực cho các bạn trẻ cũng như cho cộng đồng DN Việt Nam – nơi mà “hệ sinh thái” khởi nghiệp từ môi trường sáng tạo, hỗ trợ tài chính đến hệ thống pháp lý vẫn còn rất hạn chế.
Các quỹ mạo hiểm đều biết được các rủi ro đó, nhưng họ nhận thấy được tiềm năng ở đây-một thị trường hơn 90 triệu dân mà đại đa số là người trẻ tuổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đang dần trở lại cộng với nhu cầu mua sắm, giải trí ngày càng tăng lên sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các quỹ mạo hiểm.
Trước đây, một trong những thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công nhất của các quỹ đầu tư nước ngoài là việc đầu tư vào Cổng vàng của quỹ Mekong Capital. Việc thoái vốn khỏi chuỗi nhà hàng này trong 2014 đã mang lại cho Mekong Capital tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp lên đến 45,1% - một con số rất ấn tượng và giúp Mekong Capital liên tiếp giành được các giải thưởng về đầu tư danh giá.
Trong trào lưu đầu tư của các quỹ lớn vào Việt Nam, ngoài vấn đề tài chính, các DN trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, họ sẽ có cơ hội nhận được các kinh nghiệm quản trị hàng đầu thế giới.
Nhưng ở khía cạnh khác, thành công trong việc kêu gọi đầu tư của các quỹ có lẽ chỉ là bước khởi đầu. Các Startup của Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm để triển khai các ý tưởng của mình một cách hiệu quả và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm sau.
Trong thời gian trước, một số Startup ở Việt Nam đã gây thất vọng cho các quỹ đầu tư khi các nhà sáng lập đã vơi bớt niềm đam mê của mình, thỏa mãn với những gì có được, dẫn đến DN hoạt động kém hiệu quả hơn sau khi gọi được vốn. Điều này vô hình trung đã tạo ra hình ảnh không tốt cho các cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nếu so với startup khác trong khu vực có thể huy động được hàng chục tới hàng trăm triệu USD, khả năng gọi vốn của các Startup của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Sẽ còn nhiều việc phải làm để các Startup Việt Nam có thể cạnh tranh được với các bạn đồng trang lứa ở Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Nguồn Thời báo ngân hàng