Thứ Sáu | 08/05/2015 08:57

Làn sóng bán tháo trái phiếu lan đến châu Á

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi làm giảm nhu cầu đầu tư an toàn vào trái phiếu.

Làn sóng bán tháo trái phiếu châu Âu và Mỹ bắt đầu lan sang châu Á khiến giá trái phiếu chính phủ khu vực này giảm mạnh và làm lợi suất trái phiếu tăng (chi phí lãi vay tăng).

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm lên cao nhất 2 tháng ở mức 0,42%, so với mức 0,2% hồi tháng 1.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Hàn Quốc cũng lên 2,54%, cao nhất 3 tháng, của Ấn Độ lên tới 8%, cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Sở dĩ làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ toàn cầu là do dấu hiệu phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu. Điều này sẽ kéo theo việc giới hoạch định chính sách các nước nâng lãi suất, làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu.

“Tất cả các thị trường đều bị ảnh hưởng bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và suốt 3-5 năm qua, nhà đầu tư luôn săn tìm trái phiếu. Tuy nhiên, hiện tại, khi thị trường bắt đầu bàn tán về khả năng Mỹ bình thường hóa chính sách lãi suất trong khi lạm phát toàn cầu tăng do nền kinh tế tốt lên, nó giúp cân bằng mức độ ảnh hưởng của tất cả thị trường”, Annette Mullen, trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất, tín dụng tại  State Global Asset Management, nhận định.

Một yếu tố khác đằng sau làn sóng bán tháo này đó là việc các nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) mạnh lên. Điều này làm hạn chế việc vay euro để đầu tư vào các tài sản cho lợi suất cao hơn trên toàn thế giới, từ đó làm giảm giá trị của trái phiếu, chứng khoán cũng như tiền tệ toàn cầu, trong đó có cả châu Á.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ken Hu, trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu tại .P. Morgan Asia Credit Index, hầu hết các nước châu Á đều nhập khẩu ròng hàng hóa nên vẫn hưởng lợi từ việc giá hàng hóa giảm, do đó, môi trường đầu tư trái phiếu châu Á vẫn rất khả quan.

Minh Phương
Theo WSJ