Thứ Ba | 07/11/2017 14:52

Làm thế nào để Logistics Việt Nam tăng tốc?

Để phát triển logistics, một trong những yếu tố quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao quá trình hội nhập.

Đại gia logistics Trung Quốc tiến vào Việt Nam

Công nghệ đang làm thay đổi chuỗi cung ứng ra sao?


Logistics - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển không ngừng nhờ các tiến bộ công nghệ, logistics là giải pháp tối ưu hoá quá trình luân chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ từ đầu vào đến đầu ra. Đây là một trong những công đoạn chiếm rất nhiều chi phí của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Chính vì vậy, logistics đã trở thành một trong những phương tiện hữu dụng giúp các DN liên kết các khâu khác nhau trong nội bộ hoặc liên kết các lĩnh vực khác nhau trong quy trình kinh doanh.

Hiện nay, chi phí cho logistics ở Việt Nam đang chiếm từ 20-25% GDP, trong khi đó ở các nước trong khu vực, con số này thấp hơn nhiều so với chúng ta. Cụ thể, ở Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%... Nếu như hằng năm nước ta giảm được 1%-2%, chi phí này sẽ làm lợi cho đất nước hàng tỷ USD.

Bên cạnh đó, trước khi ra quyết định đầu tư, một yếu tố mà các tập đoàn kinh tế trên thế giới thường quan tâm là chi phí logistics của nước họ sẽ đầu tư. Vì vậy, quốc gia nào có chi phí logistics thấp sẽ trở thành lợi thế, giúp DN giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh các dịch vụ của DN trong thị trường, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Với tầm quan trọng của logistics trong nền kinh tế, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định số 200/QĐ-TTg). Điều này cho thấy vai trò của logistics đối với sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Tuy nhiên, một thực trạng đang tồn tại làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Hiện nay, nhiều DN ở Việt Nam đang rất “khát”, thậm chí khủng hoảng trầm trọng nhân lực ngành logistics.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TPHCM, hiện có ít nhất 300.000 DN trong cả nước tham gia vào lĩnh vực logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động. Tuy nhiên, có tới 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về Logistics. Riêng tại TPHCM, nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Chính vì vậy, các DN chưa đủ năng lực xây dựng được các chiến lược để phát triển  các dự án logistics một cách quy mô.

Vậy làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam? 

Góp phần tìm lời giải cho bài toán giúp logistics Việt Nam tăng tốc, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, bên cạnh chiến lược lâu dài của Chính phủ cùng với việc các DN không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài thì điều kiện cần và đủ là phải tập trung đầu tư nguồn nhân lực cho ngành một cách bài bản.

Đào tạo của các trường ĐH - giải pháp phát triển nhân lực logistics

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam đang phối hợp với Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội Giao nhận vận tải (FIATA), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mở các chương trình đào tạo chuyên ngành logistics theo chuẩn quốc tế. Đây là mô hình tốt để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, để phát triển ngành một cách bền vững, thì về lâu dài cần có chiến lược đào tạo quy mô và chuyên sâu của hệ thống giáo dục, trong đó vai trò của các trường đại học (ĐH) là vô cùng quan trọng.

Trong những năm gần đây, nhìn nhận rõ được tầm quan trọng của ngành logistics cũng như vai trò nguồn nhân sự cho phát triển ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nhiều trường ĐH được thành lập các khoa đào tạo nhân sự cho ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng như: ĐH Giao thông vận tải, ĐH Quốc tế TPHCM, ĐH Ngoại thương…

Đặc biệt, để đáp ứng ngay tại chỗ nguồn nhân lực cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những địa phương có tốc độ phát triển logistics rất nhanh trong những năm qua, bắt đầu từ năm 2017, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu (BVU) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

TS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn việc làm-Khởi nghiệp của BVU cho biết, để khắc phục tình trạng khan hiếm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong lĩnh vực này, BVU đã, đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động trong ngành logistics để xác định rõ nhu cầu về kiến thức, kỹ năng cũng như số lượng nhân sự mà DN cần trong thời gian tới nhằm hướng đào tạo của nhà trường sát với nhu cầu của thị trường.

Song song với việc đào tạo theo đúng đơn đặt hàng của các DN, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu  tiếp tục đưa sinh viên tham quan thực tế, trải nghiệm và thực tập tại DN ngay từ năm thứ nhất cũng như mời các cán bộ giàu kinh nghiệm của DN tham gia giảng dạy, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho sinh viên.

Với kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành quản trị logistics và chuỗi cung ứng thuộc ngành quản trị kinh doanh từ năm 2012 đến nay, cùng với việc hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng tập trung giảm thiểu kiến thức hàn lâm, tăng thời lượng thực hành, thực tế; bổ sung một số chuyên đề được cập nhật theo sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu tin rằng sau ba năm rưỡi, sinh viên tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tiếp cận và đáp ứng nhanh trong môi trường hội nhập quốc tế.

Nguồn Báo Chính Phủ