Thứ Sáu | 22/02/2013 13:19

Làm thế nào để đối phó với tin đồn trên thị trường chứng khoán?

Các tin đồn có tác động không nhỏ tới TTCK, do đó việc hiểu và biết cách đối phó với chúng là điều không hề dễ dàng.
Hôm qua, thị trường cổ phiếu Việt Nam đã một phen lao đao khi có thông tin Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, bị bắt. Ngay lập tức, chỉ số VN-Index giảm hơn 18 điểm.

Đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đối mặt với tin đồn kiểu như thế này. Trước đó, trong năm 2012, TTCK Việt Nam từng 2 lần giảm điểm mạnh trước thông tin bắt giữ ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên và Giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - ông Lý Xuân Hải, cũng như vài lần xôn xao vì các tin đồn bắt giữ quan chức ngành ngân hàng.

Theo tờ Business Today, ngày nay tin đồn có ảnh hưởng cực lớn tới các thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Hầu hết các cổ phiếu đều khá nhạy cảm với tin đồn, trong khi các thị trường thì thường có phản ứng ngay lập tức.

Bên cạnh đó, sự phát triển của truyền thông và báo chí khiến tin đồn được phát tán nhanh hơn, thậm chí ngay cả trước khi công ty hay doanh nghiệp đưa ra thông báo chính thức. Bất kỳ phản ứng nào của nhà đầu tư đối với những tin đồn hay thông tin như vậy có thể phá hỏng mọi thứ. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đối phó với các tin đồn?

Tờ Business Today cho rằng trước hết nhà đầu tư cần phải hiểu sự khác biệt giữa tin đồn và tin tức chưa được xác nhận. Tin đồn thường rất khó xác định nguồn gốc và có thể đến từ những nguồn khác nhau như bạn bè, gia đình, quan chức bộ hay thậm chí là giới truyền thông.

Tuy nhiên, hiện tại những câu chuyện chưa được xác nhận xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường đề "nguồn giấu tên". Song các nhà đầu tư vẫn có cơ hội để tránh được những tác động từ các loại thông tin kiểu này.

Các chuyên gia cho rằng sự hiểu biết về tác dụng của tin đồn đối với sự chuyển động trong giá cổ phiếu là rất quan trọng. Giá cổ phiếu phản ứng khá nhanh và các nhà đầu tư thường khó có cơ hội để lái cổ phiếu theo tình hình.

Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia về một số loại hình tin đồn và cách đối phó với chúng:

1. Tin đồn mua bán, sáp nhập

Những tin đồn về 1 công ty có thể bán cổ phiếu trong một chi nhánh, hoặc một doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của 1 công ty trong nước là loại tin đồn sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao. Vậy nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu khi có những tin đồn như thế này? Nếu giá cổ phiếu phản ứng trước khi tin đồn được tung ra, các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng.

Ông K Ramanathan tại ING Investment Management India, chia sẻ: "Chúng tôi thường đánh giá một công ty dựa trên tổng giá trị các yếu tố thành phần (SoTP). Sau đó, chúng tôi so sánh chuyển động của giá cổ phiếu trước và sau khi tin tức được tung ra. Nếu giá biến chuyển một cách bất hợp lý, chúng tôi sẽ bán".

2. Tin đồn về nhân sự
Những tin tức về một quan chức tham gia vào 1 vụ lừa đảo hoặc lạm dụng quỹ của công ty có thể khiến giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, quá trình xác nhận tin đồn này thông thường rất khó khăn.

Do đó, quyết định của nhà đầu tư thường có vai trò quan trọng. Trong bối cảnh thị trường có cảm quan tiêu cực, những tin đồn kiểu này có thể tạo nên hiệu ứng domino cho giá cổ phiếu.

Do đó, quyết định sáng suốt hơn cả là nên bán.

3. Tin đồn về huy động vốn

Tin tức về huy động vốn của một doanh nghiệp sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao. Song từ quan điểm của một nhà đầu tư dài hạn, việc đầu tư mới sẽ không mấy ý nghĩa nếu thị trường đã phản ứng trước khi tin đồn được tung ra.

Bất cứ động thái huy động vốn nào của công ty thông qua "pha loãng vốn" (phát hành thêm các cổ phiếu mới) nhìn chung sẽ có lợi cho các cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, sẽ rất khó để xác định quy mô huy động vốn của công ty. Bên cạnh đó, cũng không thể biết chắc công ty sẽ huy động vốn thông qua các công cụ nợ hay vốn cổ phần. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể theo dõi quy mô huy động vốn của các công ty đối thủ hoặc có quy mô tương đương để đưa ra quyết định.

4. Tin đồn về cố phiếu được cầm cố

Loại tin đồn này sẽ có tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu. Các công ty luôn luôn cầm cố cổ phiếu cho các ngân hàng hoặc thể chế tài chính để có thể tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư thường cảnh giác với những thông tin kiểu này. Để đối phó, phải giải quyết trên cơ sở từng trường hợp.

Kịch bản 1, nếu giá cổ phiếu tăng, thì không có gì đáng ngại. Nhưng nếu cổ phiếu giảm ở mức độ nhất định, điều đó có nghĩa những người điều hành công ty được ngân hàng yêu cầu phải cầm cố nhiều cổ phiếu hơn. Nếu những người điều hành phá sản hoặc không thể cầm cố thêm cổ phiếu, khi đó các ngân hàng có quyền bán số cổ phiếu đó ra thị trường.

Thông thường, số lượng cổ phiếu cầm cố mà các ngân hàng nắm giữ là khá lớn, khiến giá cổ phiếu giảm đáng kể. Lời khuyên là: Nếu cảm thấy công ty gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc không thể đáp ứng được nhu cầu vốn của mình, nhà đầu tư có thể từ bỏ cổ phiếu đó hoặc quay lại vào thời gian khác.

5. Tin đồn hủy niêm yết

Tin đồn hủy niêm yết thường không mấy dễ chịu đối với các nhà đầu tư dài hạn. Bất ổn hoặc những bê bối liên quan đến thuế thường được các nhà đầu tư sử dụng làm căn cứ để không mua cổ phiếu của một công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể đầu tư vào những công ty có yếu tố căn bản tốt nếu có tin đồn về hủy niêm yết.

Trong khi những tin đồn thế này có thể tác động tới giá cổ phiếu, các nhà đầu tư dài hạn nên đánh giá tác động của nó tới công ty. Nếu tác động bất lợi, nhà đầu tư nên từ bỏ.

Nguồn Business Today/Khampha


Sự kiện