Nguyễn Hải Thứ Hai | 27/03/2017 12:30

Làm sao để thay đổi nền “công nghiệp hình trái mít"?

Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam “mang hình hài của trái mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết đâu là ưu tiên, đâu là đột phá”.

Dù đầu tư hàng chục tỉ USD vào Việt Nam nhưng nhà máy của Samsung vẫn tiếp tục đỏ mắt kiếm tìm các nhà cung cấp linh kiện Việt Nam, thậm chí khó tìm được cả nhà cung cấp ốc vít.

Khó khăn của Samsung có thể hình dung rõ hơn nếu nhìn trong bức tranh toàn cảnh của nền công nghiệp tại Việt Nam. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 3,42 lần giai đoạn năm 2006-2015, với tỉ trọng duy trì khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước, nhưng phát triển công nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn “dân số vàng” và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, thậm chí còn đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến công nghiệp Việt Nam yếu kém, nhưng chủ yếu là do chủ quan”. Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở mức thấp. Tốc độ năng suất giai đoạn năm 2006-2015 chỉ khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%. Thực tế, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực, Malaysia cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippines cao gấp 3,6 lần.

Giáo sư David Dapice, Đại học Harvard, Mỹ nói đã nhìn thấy giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu sản xuất của Việt Nam. Bài học ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không sản xuất nổi ốc vít cho nhà máy Samsung là ví dụ điển hình. Hầu hết phụ kiện phải nhập khẩu. Theo nhiều nhận định, kinh tế Việt Nam “là nền kinh tế định hướng “công nghiệp - phi công nghệ”, không khuyến khích sản xuất nội địa, không có công nghiệp phụ trợ. Một con số của Viện Kinh tế Việt Nam từng cho thấy, 76% máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ ở Việt Nam thuộc thế hệ năm 1950-1960 và Việt Nam “quá thiên lệch về khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp. Cơ cấu công nghiệp hiện vẫn nặng về khai thác tài nguyên làm động lực phát triển kinh tế, gia công sản phẩm..., trong khi lĩnh vực chế biến chế tạo - cốt lõi của công nghiệp lại chỉ tăng rất thấp.

Lam sao de thay doi nen “cong nghiep hinh trai mit
 

Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam thời gian qua, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, “mang hình hài của trái mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết đâu là ưu tiên, đâu là đột phá”. Vì thế, ông Kiên nói “đến lúc buộc phải thay đổi”.

Việt Nam hiện đề ra những ngành công nghiệp mũi nhọn, như vật liệu mới, năng lượng mới, cơ khí chính xác, điện tử, nano... Nhưng liệu những ngành này có giúp Việt Nam tạo dựng nền công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới? Với thực trạng công nghiệp Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay, thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số lĩnh vực có năng lực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước”, Tiến sĩ Tự Anh cho biết.

Việt Nam có kinh nghiệm của nhiều mô hình công nghiệp hóa thành công trên thế giới. Chẳng hạn, quá trình phát triển công nghiệp của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, đều theo các giai đoạn tuần tự, phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành cơ khí chính xác có vai trò quan trọng đối với mọi nền công nghiệp. Kinh nghiệm các nước này cũng cho thấy, không thể rập khuôn bất cứ một mô hình thành công nào của nước ngoài, mà luôn phải tìm ra hướng đi phù hợp dựa vào đặc tính lịch sử, địa lý và thực trạng của riêng mình. Chẳng hạn, trước khi tìm một mô hình phát triển công nghiệp trong giai đoạn 1960-1990, Đài Loan cử 3 nhóm chuyên gia đi học tập từ nước ngoài, 2 nhóm đến Mỹ, 1 nhóm đến Nhật. Cuối cùng, Hội đồng Kinh tế Kiến thiết Quốc gia Đài Loan đưa ra một chiến lược cụ thể phù hợp với tình trạng kinh tế xã hội Đài Loan thời điểm đó, với những ưu tiên du nhập kỹ thuật sản xuất công nghiệp và tiếp cận thị trường thế giới.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011-2020 hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật, cho rằng, các chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Việc Việt Nam chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm, theo Giáo sư Thọ là nguyên nhân “không thu hút được nhiều FDI trong nhiều ngành liên quan các loại máy móc”.

Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Giáo sư Thọ, vốn từng là thành viên nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2006, cảm thấy tiếc khi các ngành này “hiện nay rất yếu”. Theo ông, tình hình thay đổi thì chiến lược, chính sách cũng phải khác và kiến nghị phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận trong xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước tạo lập được thương hiệu riêng.

“Công nghiệp hóa phải theo diện rộng và tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công  nghiệp, đồng  thời cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, Giáo sư Thọ tham vấn.

Nguyễn Hải