Làm sao để phòng vệ trước thép Trung Quốc?
Mặc dù đã chính thức áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài của Trung Quốc nhưng không vì thế mà áp lực dành cho các nhà sản xuất thép trong nước giảm bớt. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu các sản phẩm sắt thép có nguồn gốc từ Trung Quốc đạt 8,22 triệu tấn, tương đương chiếm 59,1% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam. Số tiền mà các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc lên đến 3,25 tỉ USD.
Tính đến hết 9 tháng đầu năm, nhập khẩu sắt thép các loại đạt gần 13,92 triệu tấn, trị giá hơn 5,84 tỉ USD, tăng 24,7% về lượng nhưng chỉ tăng 2,3% về trị giá.
Điều này cũng có nghĩa là thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam đang được bán với giá rẻ khi trung bình giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước. Sức ép cạnh tranh này sẽ không sớm dừng lại. Mới đây, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép ở mức giống như mức thuế tạm thời áp dụng vào tháng 3 là 23,3%, trong khi thuế suất áp dụng đối với thép dài tăng từ 14,2% lên 15,4%. Nhưng theo các chuyên gia, điều này chưa chắc sẽ đảo ngược được nguy cơ hàng nhập khẩu lũng đoạn thị trường thép.
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, trong năm 2017, do mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm khoảng 2% theo lộ trình điều chỉnh và rủi ro phá giá đồng nhân dân tệ nên giá thép xây dựng nhập khẩu sẽ tiếp tục điều chỉnh từ 9,6-9,9 triệu đồng/tấn ở quý III năm nay xuống còn 9,2 triệu đồng/tấn, gây áp lực lên giá thép của các doanh nghiệp nội. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường ASEAN chiếm đến 37% tổng giá trị xuất khẩu sắt thép của Trung Quốc, tăng thêm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và 17 điểm phần trăm so với cách đây 5 năm. Nhu cầu xây dựng tăng mạnh tại các quốc gia Đông Nam Á đang trợ lực cho các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc, nhất là nhu cầu xây dựng cầu đường, sân bay, hay nhờ thị trường bất động sản đang nóng lên tại một số quốc gia trong khu vực.
“Trung Quốc còn tìm kiếm vị thế lớn hơn trong khu vực khi triển khai các chính sách Một vành đai, một con đường để kích thích thương mại. Chính phủ nước này cũng tài trợ cho các dự án của khu vực thông qua Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á để mở rộng thị trường xuất khẩu”, hãng tin Bloomberg nhận định. Mới đây, tại Malaysia, 2 nhà sản xuất thép nổi tiếng là Perwaja Steel Sdn Bhd và Megasteel Sdn Bhd đã phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.
Thực tế, dù công suất các nhà máy thép trong nước đang dư thừa, nhất là ở phân khúc thép xây dựng, nhưng xét về khía cạnh sử dụng thép bình quân trên đầu người, Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. “So với các nước, sử dụng thép của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Hiện Việt Nam tiêu thụ bình quân 200 kg thép/người/năm trong khi thế giới là 240 kg/người/năm, các nước như Thái Lan 350 kg thép/người/năm, thậm chí như Hàn Quốc, có thời kỳ 1.100 kg/người/năm. Điều này cho thấy ngành thép đang có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa”, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết.
Nhà máy sản xuất thép Hòa Phát. Ảnh: businesstimes.com.sg |
Đó cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp thép ngoại tìm cách xuất khẩu vào Việt Nam, bên cạnh một số thương hiệu lớn trong nước như Hòa Phát, Hoa Sen có kế hoạch xây thêm các nhà máy sản xuất thép hàng tỉ USD để gia tăng công suất, giành thêm thị phần. Mặc dù vậy, trước mắt với tình trạng cung vượt cầu và nhất là sức ép của thép nhập từ Trung Quốc, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp có quy mô vừa nhỏ phải đóng cửa. Ngay cả chính sách áp thuế tự vệ mà Bộ Công Thương triển khai từ tháng 3 cũng bắt đầu mang đến lo ngại về tính khả khi. Bởi vì xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước đang bắt tay với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc thực hiện những điều chỉnh lách thuế rất tinh vi.
Theo VSA, qua theo dõi tình hình nhập khẩu, đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số các sản phẩm thép dài (gồm thép thanh và thép cuộn). Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế tự vệ thương mại trong 9 tháng giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015. Nhưng lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế, như mã HS 7213.91.90 tăng lên đột biến.
Chất lượng sản phẩm các mã mới không khác gì nhiều so với các mã sản phẩm nằm trong danh mục đánh thuế. Tổng lượng nhập khẩu mặt hàng mới này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng giải thích vì sao lượng sắt thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng ở mức 2 con số trong 9 tháng đầu năm. Rõ ràng, sắt thép cũng tương tự như các sản phẩm sữa bột trẻ em dưới 6 tháng tuổi ở khía cạnh đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thành phần cấu tạo và kích cỡ.
Việc áp dụng các mức thuế tự vệ hay áp giá trần không dễ để triển khai bởi các doanh nghiệp có đủ chiêu để lách quy định.
Trước tình hình hiện nay, VSA kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét hành vi tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn có mã HS 7213.91.90, 7213.99.90, 9839.10.00, 9839.20.00. Hiệp hội cũng kiến nghị đưa các mã 7217.10.10, 7217.10.29 và 7229.90.90 vào danh mục hàng hóa cần quản lý chặt nhằm ngăn chặn việc tránh thuế vì các mã thép cuộn này có mô tả không cụ thể, có thuế suất nhập khẩu thấp nên có khả năng lẩn tránh thuế tự vệ thương mại trong tương lai.
Ngoài diễn biến căng thẳng tại thị trường thép dài và phôi phép, Việt Nam cũng đối mặt với thực trạng tăng nóng của tôn mạ màu nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng nhập khẩu mặt hàng này tăng đến 200% so với cùng kỳ năm trước, đạt 386.000 tấn. Không thể cạnh tranh về giá với khối ngoại nên thị phần bán hàng của các nhà sản xuất trong nước chỉ chiếm 53%, bị thu hẹp 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng tôn mạ nhập khẩu chiếm tới 47% thị phần. VSA cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp thuế tự vệ thương mại tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp nội.
Sơn Nguyễn