Làm sao để nông dân vay được vốn?
Không bất ngờ khi chính sách vốn là một trong những vấn đề được chú ý trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với hơn 600 đại diện nông dân tiêu biểu trên cả nước ngày 9.4 vừa qua. Bài học đắng chát khi nông dân ồ ạt trồng chuối, dưa hấu, củ cải, cà chua... và sắp tới, có thể là cam, bưởi... dẫn đến tình trạng “bội thu chờ giải cứu” đã khiến nhiều người thức tỉnh. Trong một thị trường mở và dễ bị tổn thương như hiện nay, cuộc đua “trồng thật nhanh, thu thật nhiều” đã bộc lộ quá nhiều mặt trái. Tình thế buộc người nông dân phải thay đổi cả về tư duy làm nông nghiệp lẫn quy trình sản xuất, nhưng muốn vậy, phải có vốn.
Thế nhưng, thực tế đang tồn tại nhiều năm nay trong việc tiếp cận tín dụng ngành nông nghiệp là “nông dân khó, đại gia dễ”. Đúng như lời tâm sự của nông dân Tô Hiến Thành (Bắc Giang) tại cuộc đối thoại: “Để duy trì sản xuất, nhiều hộ nông dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí, phải vay tín dụng đen”. Trong khi đó, ngân hàng lại có thể chấp nhận những khoản vay lên tới ngàn tỉ đồng của các đại gia khi muốn đầu tư vào trồng cao su, hay trồng rau quả sạch. Biểu hiện có vẻ như đi ngược với tinh thần phải có của một đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn.
Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế - tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh lý giải, vốn cũng là một sản phẩm hàng hóa trong nền kinh tế thị trường và vận hành dựa vào quy luật cung cầu. Ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, có quyền và trách nhiệm lựa chọn các đối tác tin cậy để bảo toàn vốn và sinh lời. Sản xuất nông nghiệp hộ gia đình thường có tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tài sản đảm bảo thế chấp hầu như không có... khiến các khoản vay tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc ngân hàng thương mại không mặn mà với đối tượng khách hàng này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Trong bối cảnh này, có lẽ nghịch lý cần được nhận diện ở những phương diện khác. Thứ nhất, gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao hiện đã giải ngân được hơn 30.000 tỉ đồng nhưng đối tượng được nhận khoản vay không phải là các hộ nông dân. Bởi lẽ, để tiếp cận với nguồn tín dụng có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-1,5 điểm phần trăm so với lãi suất thông thường, phải có chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, có đất đai và có thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Như vậy, cánh cửa chỉ mở với những đại gia có nền tảng thương hiệu, hạ tầng, có chiến lược đầu tư bài bản. Sẽ bớt trái ngang và thiệt thòi cho người nông dân nếu đi cùng với những khoản vay ưu đãi nhận được như trên, các doanh nghiệp lớn này cũng có những cam kết giúp nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, từng bước cải thiện năng lực và công nghệ, để dần dần có thể đứng ra hưởng lợi từ chính sách lẽ ra phải dành cho chính họ. Điều này chưa được ghi nhận.
Thứ 2, tại sao nông dân luôn than khó khi tiếp cận tín dụng trong khi theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế? Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định số 55/2015/NĐ-CP hay nguồn tiền từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân có “đi lạc địa chỉ” khi dư luận ở các làng quê vẫn truyền tai nhau cách thức vay ngân hàng để giải quyết những vấn đề trước mắt của đời sống như lo cho con học đại học, giúp con ở thành phố vay tiền mua nhà lãi suất thấp, hay thậm chí, cho vay lại hưởng chênh lệch lãi suất... Đương nhiên, những lỗi này không nằm ở phía những người nông dân “thức thời”, khéo xoay nguồn tín dụng đi đúng mục đích cá nhân, mà ở phía quản lý.
Theo dõi cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới, rất nhiều người tin rằng, đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ giải tỏa vướng mắc, khơi thông những điểm tắc nghẽn của mạch máu tín dụng cho nông nghiệp. Vậy nhưng theo tường thuật của Báo điện tử Chính phủ, đáp lại câu hỏi về chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp và cách thức tiếp cận nguồn vốn này, đại diện Ngân hàng Nhà nước chỉ đề cập đến tính minh bạch thông tin. Không nêu rõ các thông tin thiếu minh bạch bao gồm nội dung nào, vị quan chức nói thêm, các ngân hàng không thể cho vay, bởi nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Trước lời đáp này, nhiều người đã không nén nổi tiếng thở dài.
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng, việc cho vay không đơn giản chỉ dựa trên hồ sơ và tài sản thế chấp, nhưng sẽ là bất công nếu đổ lỗi cho nông dân về việc ngân hàng thương mại cho vay không hiệu quả. Lẽ ra, vấn đề phải đặt ra là làm sao nâng cao năng lực thẩm định của các cán bộ tín dụng, từ đó, hạn chế thấp nhất rủi ro, thay vì tạo nên một hàng rào vô hình cản trở nhu cầu tiếp cận vốn chính đáng của nông dân.
Điều quan trọng hơn, thông điệp của vị quan chức hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng khiến dư luận băn khoăn, ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự hào hứng khai thác nhóm khách hàng không phải không có nhiều tiềm năng này. Mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp 40 tỉ USD năm 2018, hay hy vọng Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu tôm trước năm 2025 khó có thể thành sự thật nếu luồng tín dụng không được khơi thông và đến đúng địa chỉ sinh lời.
Bằng không, dù cấp ngân sách hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân với mức gấp 2-3 lần hiện tại, dù có mở rộng điều kiện tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 55, giấc mơ sẽ khó thành hiện thực và vẫn còn đó câu hỏi nhức nhối: làm sao để người nông dân vay được vốn?
Trong khi đó, không phải là không có lời giải. Cách tiếp cận sẽ tương tự như những gợi ý của các chuyên gia tài chính - ngân hàng về cách thức đưa tín dụng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, sự hạn chế về năng lực trình bày và hoàn thiện hồ sơ, thậm chí, hoàn thiện về ý tưởng thị trường đầu ra, khả năng dự đoán biến động của thị trường trong nước và thế giới của nông dân Việt phải được bù đắp bằng kiến thức, năng lực chuyên viên tư vấn ở ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng phải đồng hành với từng bước đi trong quy trình sản xuất nông nghiệp để tư vấn, hỗ trợ người nông dân. Chỉ khi làm được như vậy, kịch bản win - win (ngân hàng và nông dân cùng hưởng lợi) mới được hiện thực hóa.