Làm sao bịt những lỗ hổng như AVG?
Dù gì, tiền nhà nước đã không bị thất thoát sau khi thương vụ Mobifone và AVG đã được hủy bỏ. Nhưng sau khi làm rõ những khuất tất sau thương vụ này, việc quan trọng không kém là tìm cách bịt chặt lỗ hổng để xảy ra nguy cơ thất thoát tương tự.
Những thương vụ đồng dạng AVG
Ngày 12.3 vừa qua, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) và các cổ đông Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã ký biên bản cam kết hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần. Với quyết định này, số tiền 8.889 tỉ đồng do Mobifone chi trả để mua 95% cổ phần AVG, cộng khoản lãi từ khoản tiền này sẽ được hoàn trả. Nguy cơ thất thoát 7.000 tỉ đồng sau thương vụ trên đã được hóa giải hoàn toàn.
Quả thật, Mobifone đã được cứu một bàn thua trông thấy. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31.3.2015, tổng tài sản là 3.260,686 tỉ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỉ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến 31.3.2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Công ty được Mobifone thuê để định giá AVG đã tính toán khoản tài sản vô hình của doanh nghiệp này lên tới 13.448 tỉ đồng, thế nhưng, sau khi về cùng nhà với Mobifone, AVG chỉ lãi 1 năm. Quan trọng hơn, khoản lãi 54 tỉ đồng vẫn đang bị đặt dấu hỏi, đây là lãi thật từ hoạt động kinh doanh hay là sự hỗ trợ bên ngoài làm đẹp thành tích mua bán? Dẫu độ lượng đến mức nào, dư luận vẫn phải đánh giá, thương vụ AVG được thực hiện theo phương cách quá kỳ lạ. Gần 9.000 tỉ đồng của Mobifone suýt nữa đã không cánh mà bay.
Trong bối cảnh đó, sự thiện chí của AVG gây nên sự khó hiểu hơn cả. Nguyên tắc thị trường là “thuận mua vừa bán”, nếu AVG đã gả chồng được một cô gái lỡ thì như bán xổ số độc đắc, khó có thể quy lỗi cho doanh nghiệp này. Quyết định hủy thương vụ với Mobifone, đồng nghĩa trả lại tấm vé số trị giá gần 9.000 tỉ đồng, xét theo logic thuần túy, chỉ giúp túi tiền Nhà nước không bị hàm oan hàng ngàn tỉ đồng. Hành động này cũng khó hiểu không kém quyết định đầu tư hớ hênh của Mobifone 2 năm trước, khi công ty này chưa cổ phần hóa. Mọi khuất tất, nếu có, sẽ được hé lộ. Trách nhiệm của những người liên quan chắc chắn sẽ bị xem xét. Với niềm tin tưởng này, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi rằng, thương vụ Mobifone - AVG có phải là cá biệt?
Có thể thấy, dù chỉ hé mắt nhìn vào sự thật, câu trả lời cũng không như mong đợi. Dễ thấy nhất, vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đang được xét xử cho thấy một cách thức đầu tư mang tính chất tương tự. Theo cáo trạng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền lên tới 800 tỉ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) vào OceanBank, vi phạm quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng” theo Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Đáng nói hơn, là một trong những cổ đông lớn nắm chắc hoạt động của OceanBank, PVN đã không cảnh giác kịp trước hoạt động yếu kém của ngân hàng này, dẫn đến kết quả là mất hoàn toàn 800 tỉ đồng vốn nhà nước. Những trớ trêu với quy mô nhỏ hơn, đáng tiếc thay, cũng không hiếm gặp. Không cuộc thanh tra mua sắm công nào của Thanh tra Chính phủ lại không ghi nhận thiệt hại cho ngân sách với mức độ từ vài chục triệu cho tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Nói như ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam khi trao đổi với NCĐT về vấn đề này “nếu khu vực công mà cải cách hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách hàng năm có thể lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng!”.
Đặt hy vọng vào đâu?
Đối diện trạng trên, nhiều người đã đặt hy vọng vào Siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Nghị quyết 09/NQ-CP, ủy ban này sẽ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước... Người ta tin rằng, với bàn tay chuyên môn và trách nhiệm của nhiều chuyên gia đầu ngành đang nắm trọng trách tại ủy ban này, không thể tiếp tục xảy ra những thương vụ phi lý như đã đề cập ở trên. Mọi chủ trương đầu tư sẽ được soi xét kỹ dưới các con mắt chuyên môn, khó có thể tiếp tục tồn tại kiểu mua đắt, bán rẻ phi lý ngay cả đối với những tiểu thương chợ huyện.
Trên thực tế, các thương vụ có dấu hiệu khuất tất không được biến hóa với trình độ của những phù thủy tài chính. Điều bất hợp lý lồ lộ dưới con mắt của bất cứ người dân thường biết suy nghĩ nhưng những người có trách nhiệm vẫn không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Dường như, nút thắt không nằm ở vấn đề năng lực quản lý. “Nếu cấu kết thì không thể giải quyết được. Giải pháp tốt nhất là minh bạch hóa thông qua cổ phần hóa”, vị Phó Chủ tịch VAFI thẳng thắn nhận định.
Minh chứng cho nhận định này, ông Hải lật ngược lại vấn đề trong thương vụ Mobifone. Giả định nếu AVG đã là một doanh nghiệp niêm yết minh bạch trên sàn chứng khoán, trong trường hợp thương vụ có khuất tất (dù theo hướng có lợi), để thuyết phục Hội đồng cổ đông đồng ý thông qua sẽ khó khăn hơn. Đi kèm với đó, phân chia khoản lợi nhuận thu được cũng không dễ dàng.
Từ phía Mobifone, nếu doanh nghiệp này đã cổ phần hóa thì không thể có chuyện các cổ đông đồng ý với thương vụ nhiều thiệt thòi nói trên. Càng đáng trách hơn khi doanh nghiệp này đã có phương án cổ phần hóa cách đây cả chục năm nhưng không muốn thực hiện chủ trương này. Sự ngần ngừ này không chỉ tồn tại ở Mobifone. Theo cách tiếp cận này, giải pháp phù hợp và khả thi là không chấp nhận sự trì hoãn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Thời gian càng kéo dài, nguy cơ tiêu cực, thất thoát càng lớn và khó kiểm soát. Tư duy thực hiện cổ phần hóa cần được cân nhắc lại. Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Không nên tiếp tục duy trì tình trạng cổ phần hóa theo kế hoạch, mỗi năm, một vài doanh nghiệp. Tại sao không cho cổ phần hóa đồng loạt các doanh nghiệp nhà nước đủ điều kiện, như vậy, chỉ cần vài năm là xong. Một vụ AVG nổi lên khiến dư luận đặc biệt quan tâm như thời gian vừa rồi nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng này, có thể có thêm rất nhiều vụ việc tương tự”.
Rõ ràng, không có phương thuốc thần hóa giải triệt để sự bất chính trong các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt khi trách nhiệm chia đều, lợi ích thì nhóm cá nhân hưởng. Cổ phần hóa, minh bạch hóa chỉ có thể giúp tăng thêm sự giám sát của doanh nghiệp, cộng đồng, để không thể tồn tại những thương vụ phi lý.