Lạm phát tăng trở lại
Có những quan ngại về giá hàng hóa tiêu dùng đang gia tăng. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tại buổi công bố báo cáo vĩ mô quý I/2016 vừa qua, cho rằng những biến động của nền kinh tế thế giới kết hợp với những yếu tố nội tại trong nước sẽ làm cho lạm phát trở thành một biến số khó lường trong thời gian còn lại của năm.
Theo ông Thành, nền kinh tế trong quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với cùng kỳ (5,46% so với 6,12%). CPI quý I/2016 đã tăng 1,25%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước. Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tháng 4.2016 đã tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, do tác động của việc tăng giá xăng, thép và tăng phí dịch vụ y tế, giáo dục.
Những yếu tố khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, tiếp đà tăng của quý I/2016, theo ông Thành, là giá năng lượng xuống đáy và sẽ tiếp tục ở đáy do bất đồng giữa các nước sản xuất dầu mỏ; giá lương thực có thể tăng vì hạn hán kéo dài ở Việt Nam; Trung Quốc đang tích cực thu mua gạo; giá các dịch vụ công cũng có thể sẽ điều chỉnh tăng.
Nền kinh tế vẫn khó khăn, lạm phát tăng sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp và người lao động. Hãy trở lại năm 2015, lạm phát trong đà giảm, biến động về giá đầu vào không lớn, thậm chí có xu hướng giảm, đặc biệt là liên quan đến chi phí xăng dầu, gắn với đó là giao thông. Đầu vào khá ổn định, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Sang năm 2016, lạm phát chuyển sang xu thế tăng chắc chắn sẽ tác động tới doanh nghiệp ở tất cả mọi khía cạnh, kể cả đầu vào lẫn khả năng tiêu thụ.
Chuyện lạm phát quý I tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 được Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho là do “năm ngoái quá thấp”. Năm 2015, lạm phát chỉ 0,63%, không chỉ thấp so với lạm phát năm 2011 (lên tới 18,58%), mà còn là mức thấp nhất trong 14 năm qua. Vì vậy, mức độ tăng trong giá dịch vụ, giá xăng dầu, thậm chí giá điện, có tác động nhưng chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát và vẫn nằm trong tính toán lạm phát khoảng 4-5% trong năm nay.
Dù vậy, việc lạm phát tăng lên đẩy giá dầu vào tăng, dẫn đến giá đầu ra tăng theo. Điều này gây khó khăn cho một số ngành, như ngành thép do ngành này vẫn chủ yếu cạnh tranh về giá.
Ông Lê Phan Đức, Phó Giám đốc Công ty Thép Bắc Hà, chuyên phân phối thép cho các dự án hạ tầng, cho biết giá đầu vào tăng buộc Bắc Hà phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm nay. Việc tăng giá bán thép, tiếp cận thêm các dự án khác, tìm khách hàng mới, đòi nợ khách cũ có thể giúp Bắc Hà đảm bảo được lợi nhuận nhưng cũng dẫn đến nguy cơ sụt giảm doanh thu, thậm chí mất các hợp đồng. Bởi lẽ, từ khi nguồn vốn ODA khó khăn, đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách hạn chế, các dự án chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn thương mại, nên các nhà thầu tính toán nhiều hơn đến yếu tố giá.
Hải Vân