Chủ Nhật | 05/08/2012 10:11

Lạm phát giá lương thực sẽ là đòn bẩy nâng giá vàng

Nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một “lá chắn rủi ro” khi có nguy cơ dẫn đến lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Vàng thường giữ giá tốt hơn các loại tài sản khác khi thị trường có nhiều biến động, vì thế thường được các nhà đầu tư chọn làm nơi trú ẩn an toàn trong môi trường lạm phát cao.

Giá vàng trong vài tháng gần đây biến động mạnh do nhu cầu của nhà đầu tư giảm sút. Trên sàn New York ngày 2/8, giá vàng chốt phiên ở 1.587,4 USD/oz, giảm 10% so với mức đỉnh 1.771 USD/oz hồi tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết giá vàng sẽ lấy lại được đà khi lạm phát giá lương thực diễn ra.

Giá lương thực tăng sẽ làm tăng nhu cầu mua vàng tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở các quốc gia “khát” vàng như Ấn Độ, Trung Quốc và khi đó, các nhà đầu tư phương Tây cũng sẽ mạnh dạn đầu tư vào vàng trở lại, chuyên gia phân tích tại UBS cho biết.

Theo UBS, lương thực chiếm 30% trong chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc và chiếm 50% trong CPI của Ấn Độ. Đây cũng là hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Lịch sử đã cho thấy, vào năm 2009-2010, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều trải qua đợt lạm phát cao và thật sự nhu cầu mua vàng đã được đẩy mạnh trong thời gian đó.

D

Đồ thị trên cho thấy sự tương đồng giữa biến động giá vàng (đường màu vàng) và biến động chỉ số giá lương thực của FAO (đường màu xanh) từ năm 2000-2012.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo chỉ số giá lương thực (food price index) của tháng 7/2012 có thể phục hồi sau 3 tháng giảm liên tiếp. Chỉ số này dự kiến được công bố vào thứ 5 tuần tới ngày 9/8.

Rủi ro lạm phát giá lương thực toàn cầu đang tăng lên. Giá ngô và đậu tương Mỹ liên tục lập các kỷ lục mới do đợt hạn hán tồi tệ nhất 56 năm qua tàn phá mùa màng các vùng trồng trọt chính.

Chuyên gia cho biết lạm phát giá lương thực sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng lên các quốc gia mới nổi, nơi tỷ lệ chi tiêu vào lương thực cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Ngoài ra, giá lương thực tăng cao có thể dẫn đến bạo loạn xã hội, tăng rủi ro địa chính trị, đây đều là những nhân tố làm đòn bẩy cho giá vàng, chuyên gia của HSBC nhận định.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương giao tháng 8 đóng cửa ở 16,53 USD/giạ phiên ngày 2/8, tăng 35% so với đầu năm nay. Trong khi giá ngô giao tháng 9 đóng cửa ở 7,94 USD/giạ, tăng gần 30% so với đầu năm. Cả hai mặt hàng này đều lập kỷ lục từ trước đến nay vào ngày 20/7, khi đậu tương lên 17,77 USD/giạ và ngô lên 8,28 USD/giạ.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện