Thứ Năm | 19/06/2014 11:43

Làm lúa kiểu Nhật: Hạt thóc không tắc đầu ra

Mô hình làm lúa kiểu Nhật giúp sản phẩm lúa làm ra được tiêu thụ hết theo hợp đồng, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ...
Sản phẩm lúa làm ra được tiêu thụ hết theo hợp đồng; lợi nhuận của nông dân được đảm bảo, vai trò Hội Nông dân được phát huy trong việc tổ chức lại sản xuất... là những hiệu quả bước đầu mà mô hình làm lúa kiểu Nhật đang phát huy ở An Giang.

Hạt thóc không tắc đầu ra

Năm 2009, UBND tỉnh An Giang ủy quyền cho Hội ND tỉnh hợp tác với Công ty TNHH Angimex-Kitoku triển khai Dự án “Sản xuất lúa Nhật”. Việc tham gia Dự án “Sản xuất lúa Nhật” còn được nông dân trong vùng gọi nôm na là “làm lúa kiểu Nhật”

Ngay từ lần đầu “làm lúa kiểu Nhật”, ông Nguyễn Lợi Đức (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) đã quyết định tham gia với diện tích hơn 30ha. “Trong khi ở một số mô hình trồng lúa người dân vẫn chưa thật sự an tâm về đầu ra, thì ngược lại tham gia vào dự án này đầu ra luôn ổn định, không sợ bị rớt giá như các loại lúa khác, tôi thấy an tâm hơn.

Mấy năm qua, tôi được công ty (Angimex-Kitoku) ký hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ hết sản lượng”. – ông Đức vui vẻ nói. Bắt nguồn từ Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật ở Lương An Trà, ông Đức đang vận động thêm thành viên, dự kiến sẽ tăng lên từ 150 - 200ha.

Anh Nguyễn Văn Bình (ấp Tân Huề, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Năm 2013, gia đình tôi sản xuất được 40ha lúa Nhật. Cái lợi của canh tác lúa Nhật là nhà nông biết giá bán trước khi ký hợp đồng, giá cả ổn định cả năm (2 hoặc 3 vụ). Vì thế, tôi hoàn toàn an tâm đầu tư sản xuất”.

Theo nhiều bà con nông dân thì các điều khoản trong hợp đồng rất chặt chẽ. Tuy vậy, nông dân chỉ cần chăm chỉ và có thêm chút ít kinh nghiệm thì sẽ sản xuất được lúa Nhật. Nếu làm đúng hết theo hợp đồng còn được công ty thưởng thêm tiền (tính trên đầu ký lúa khi bán – trung bình từ 100 - 500 đồng/kg).

Nông dân là “tài sản” của công ty

Theo ông Lý Văn Chính - Phó phòng NNPTNT huyện Tri Tôn, trong thời gian tới, huyện này có thể mở rộng trên 1.000ha. Vì lẽ, cây lúa Nhật đã trải qua thời kỳ khảo nghiệm và sản xuất hiệu quả trên vùng đất phèn nơi đây.

Về quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, ông Trần Minh Sơn - Trưởng bộ phận lúa Nhật, Công ty TNHH Angimex-Kitoku, cho biết: “Trước khi chuẩn bị mùa vụ mới, chúng tôi đều tổ chức họp nông dân (thông qua Hội Nông dân) để trao đổi ý kiến cần bổ sung, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Từ đó, mọi người đồng thuận, ký hợp đồng, bắt tay vào sản xuất”.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hoà, TP.Long Xuyên thông tin: “Cây lúa Nhật đã trở nên gắn bó với nhiều nông dân ngoại thành Long Xuyên. Phường đã thành lập được 16 tổ hợp tác sản xuất, với khoảng 60 thành viên sản xuất trên 560ha, công tác quản lý và điều hành từng tổ đã trở nên quy củ”.

Ông Akira Omori - Phó Giám đốc Công ty TNHH Angimex – Kitoku cho rằng: “Tài sản” của công ty chính là nông dân, cùng với sự ủng hộ và tham gia quản lý của địa phương (ở đây là Hội Nông dân các cấp). “Đáp ứng nhu cầu hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, năm 2014, công ty đã xây dựng kho tại Ba Thê (huyện Thoại Sơn) để có thể mua lúa tươi và lúa khô trong khu vực” – ông Akira Omori nói.

Được biết, năm 2014, Công ty TNHH Angimex-Kitoku phát triển vùng nguyên liệu lên đến 3.000ha (trong 3 vụ). Vụ đông xuân 2013-2014, Angimex-Kitoku đã hợp tác sản xuất trên 1.300 ha với 4 giống lúa hiện có là Hana, Kinu, Akita và KZ4; giá mua dao động 6.300 đồng/kg đến 8.400 đồng/kg.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện