Ảnh: Quý Hòa
Làm gì khi bội chi và nợ công cùng tăng?
Cũng chính họ đang nêu cao trách nhiệm với đất nước trong việc bảo đảm an toàn cho khối nợ này.
Nỗ lực đóng thuế trả nợ công
Vài năm gần đây, việc bổ sung sắc thuế hay nâng đối tượng và mức độ chịu thuế không còn là chuyện gây nhiều tranh cãi như trước nữa. Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố rằng ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hằng năm ở mức 2 con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Thế nhưng, năm 2018, thuế môi trường đánh lên xăng đã tăng gần mức kịch trần.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính lại vừa đưa ra đề xuất đánh thuế nhà, dự kiến áp dụng với nhà từ 700 triệu đồng hoặc từ 1 tỉ đồng trở lên. Dường như, đã có một sự hiểu ý ngầm, đây là chuyện cực chẳng đã.
Quả thật, kinh tế đạt mức tăng trưởng vượt kỳ vọng nhưng đi liền với thành tích đẹp đẽ này, không là ngân sách dồi dào. Một ví dụ điển hình, Formosa và Samsung là 2 doanh nghiệp FDI tạo nên kỳ tích GDP năm 2017 (tăng trưởng đến 6,81%) nhưng theo thừa nhận của chính người đứng đầu ngành tài chính, thu từ 2 doanh nghiệp này không tăng nhiều do họ đang được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, nợ công năm 2017 dù đã giảm so với dự tính, ở mức 61,3% GDP nhưng số tuyệt đối vẫn ở mức trên 3 triệu tỉ đồng. Đáng lo ngại hơn, Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm 2012-2017), theo đánh giá của World Bank.
Người dân phải chấp nhận thực tế có tính bắt buộc: cần phải dùng 100% nỗ lực đảm bảo an toàn nợ công, duy trì tính độc lập của nền kinh tế. Thế nhưng, mọi cố gắng về tinh thần trên nền tảng một cơ thể kinh tế còn yếu ớt hơn so với các nước trong khu vực liệu đã đủ?
Từ 3 năm nay, Việt Nam đã phải vay để đảo nợ và trả nợ. Cụ thể, năm 2016, chúng ta vay 95.000 tỉ đồng để đảo nợ; năm 2017, khoản vay để trả nợ gốc là 144.000 tỉ đồng; con số tương ứng năm 2018 là 146.770 tỉ đồng. Báo cáo đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với World Bank công bố tháng 10.2017 nhận định, áp lực huy động vốn để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đối với các khoản vay nước ngoài, theo Bộ Tài chính, nghĩa vụ trả nợ nằm trong giai đoạn 2022-2025 khi các khoản vay ODA chủ yếu đều đến hạn. Như vậy, nhiệm vụ vay để đảo nợ và trả nợ có thể sẽ nặng nề hơn trong khoảng một chục năm tới.
Tình thế này buộc chúng ta dù muốn hay không phải nhìn thẳng vào sự thật. Đầu tiên, chúng ta đã không sử dụng hiệu quả các khoản vay đầu tư phát triển. Con tàu Vinashin trước khi thay tên đổi họ đã kịp gây ra món nợ 86.000 tỉ đồng, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Gánh nặng tương tự xảy ra ở hàng loạt các Vina khác khiến sổ nợ ghi con số chắc chắn không hề kém Vinashin. Mới đây nhất, 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương cũng đóng góp món nợ 20.000 tỉ đồng trong tổng vay quốc tế có bảo lãnh của Chính phủ.
Thứ 2, phải đối diện với thực tế, gánh nặng nợ nhiều nguy cơ sẽ càng nặng hơn. Vay nợ để trả nợ gốc gần như đồng nghĩa với việc phải chịu lãi suất cao hơn khoản vay đầu. Mặt khác, tiền trả nợ không đi vào hoạt động kinh doanh, đương nhiên không thể tạo ra tiền.
Nợ dồn nợ trong bối cảnh chúng ta đã không thu xếp được nguồn trả nợ ngay từ khoản vay đầu, khó càng thêm khó. Triển vọng sáng sủa có thể đến từ động thái mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khoảng giữa tháng 4, bộ này đã có văn bản đề nghị báo cáo đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017. Nếu dám nhìn thẳng vào bức tranh sử dụng vốn ODA, sẽ nổi rõ các mảng màu tối xám. Viễn cảnh doanh nghiệp Việt có đủ tài thao lược khiến nhiều dự án sinh lợi gấp 5, gấp 10, bù cho thất thoát đã buộc phải chấp nhận không quá sáng sủa, nhưng đó là điều duy nhất có thể hy vọng.
Giảm bội chi: Con kiến leo cành đa?
Trong 2 phương án giảm gánh nặng nợ công: tăng thu bằng cách nuôi dưỡng tạo nguồn thu và giảm chi, Việt Nam đang nghiêng hơn về con đường thứ 2. Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay năm 2018 thể hiện vay để bù đắp bội chi là 195.000 tỉ đồng. So sánh số liệu năm 2016-2018, khoản vay này giảm từ 254.000 tỉ đồng năm 2016, xuống 172.300 tỉ đồng năm 2017. Chưa rõ thông tin lý do vì sao mức vay dự kiến năm 2018 lại tăng thêm 22.700 tỉ đồng so với năm trước nhưng xu hướng chung là giảm vay để chi thường xuyên.
Không hoàn toàn chia sẻ với việc đi vay, dù trong nước hay nước ngoài để bù đắp bội chi ngân sách nhưng Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định, tín hiệu tích cực trong việc giảm chi thường xuyên cần phải được ghi nhận. “Lâu nay, ở Việt Nam, việc giảm chi thường xuyên thông qua cắt giảm đội ngũ công chức ăn lương đã được đề cập nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Khó khăn mang tính đặc thù của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố: cơ chế chưa hiệu quả, lăn tăn mãi chuyện cái lý cái tình... Có thể nói, đây là căn bệnh trầm kha trong giảm chi thường xuyên. Vì thế, dù chúng ta đã giảm được chi nhưng kết quả chưa được như mong đợi”, Tiến sĩ Sang phân tích.
Một thực tế không được nhìn nhận đúng mức ở Việt Nam hiện nay là hiệu quả nền hành chính công không song hành cùng mức lương công, viên chức. Quyết định tăng lương tối thiểu được đánh giá là không tác động đến thu nhập thực tế của người lao động bộ phận ngoài nhà nước nhưng lại khiến cho thu nhập của công chức ngày một tốt hơn.
Không bàn ở đây vấn đề “lương công chức không đủ sống” vì sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn khác mà phải thừa nhận luôn rằng, bộ máy cồng kềnh cộng với việc tăng lương theo lộ trình là gánh nặng với ngân sách của những nước, thậm chí, có nền tảng kinh tế khá hơn Việt Nam. Kết quả là chúng ta phải đi vay để trả lương và kể cả để tăng lương. Cố tránh vòng luẩn quẩn này thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn khác. Trong trường hợp này, để giảm chi thường xuyên, khoảng 4 triệu công nhân, viên chức phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh bớt quyền lợi. Xem ra, điều này không hề khó.