Đầu tư Online
Làm gì để doanh nghiệp FDI “bám rễ” vào nền kinh tế
Sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước đã khiến tác động lan tỏa của dòng vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, các chuyên gia tiếp tục hiến kế để doanh nghiệp FDI bám rễ sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
Dặm trường liên kết doanh nghiệp nội - ngoại
Dẫn câu chuyện về một doanh nhân ở Vĩnh Phúc, sau một thời gian bôn ba khắp nơi làm thuê cho các công ty nước ngoài đã mở công ty riêng, rồi từng bước trở thành nhà cung ứng cấp 3, cấp 2, rồi cấp 1 cho Honda, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhấn mạnh thông điệp của chính vị doanh nhân này, rằng không có lý gì doanh nghiệp (DN) Đài Loan, Trung Quốc làm được mà DN Việt không làm được cả.
“Tôi đã đến thăm DN này, thấy có tới 20 người Nhật làm thuê cho họ. Chủ DN đã khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến các DN Việt Nam chưa thể trở thành các nhà cung cấp cho DN FDI là còn thiếu tự tin, cứ nghĩ DN FDI là cái gì cao siêu lắm”, ông Thành đã chia sẻ tại Tọa đàm “30 năm lan tỏa vốn FDI” được tổ chức cuối tuần qua tại Vĩnh Phúc.
Thiếu tự tin, không chủ động liên kết với các DN FDI chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN Việt Nam chưa tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng của các DN FDI. Đây là thực tế được chính ông Bang Huyn Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam khẳng định.
“Chúng tôi đã phải tự đi tìm các DN Việt Nam cho chuỗi cung ứng của mình. Chúng tôi mong các DN Việt Nam có thể tự tin hơn, đáp ứng được các yêu cầu về vốn, quy mô, công nghệ để có thể trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi”, ông Bang nói và cho biết, với quy mô sản xuất hiện nay của Samsung, đòi hỏi một nguồn linh kiện đầu vào lớn, không những thế chất lượng cũng vô cùng khắt khe, thì không phải DN Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được.
“Nếu nói ngay lập tức DN Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung thì khó. Nhưng có thể đi từng bước, đầu tiên hãy là nhà cung ứng cấp 3, cấp 2, rồi sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, đủ tự tin để trở thành nhà cung cấp cấp 1. Điều quan trọng là, họ phải có tham vọng và quyết tâm tham gia chuỗi cung ứng của chúng tôi”, ông Bang nói.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam (TMV) lại nói đến những khó khăn về công nghệ, và quan trọng là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn bé nhỏ nên không nhiều DN mặn mà trở thành nhà cung ứng cho các DN ô tô ở Việt Nam.
Những cái tên DN Việt tham gia chuỗi cung ứng của Toyota được ông Tuấn nhắc đến chỉ là hai công ty về cơ khí, hay Công ty Nhựa Hà Nội, chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa. “Nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 thì nhiều hơn, nhưng cấp 1 thì cả DN nước ngoài, chúng tôi cũng chỉ có khoảng 20 nhà cung ứng. Chúng tôi không phân biệt DN nội hay ngoại, miễn là họ đáp ứng được yêu cầu, nhưng thực sự là rất khó, do quy mô sản xuất thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ. Vừa rồi, phải thuyết phục mãi Nhà máy Bridgestone ở Hải Phòng mới đồng ý cung cấp lốp xe cho chúng tôi”, ông Tuấn nói.
Quả là dặm trường để thực hiện được chuỗi liên kết nội - ngoại. Vấn đề dường như phần nhiều xuất phát từ phía DN Việt Nam, do năng lực tài chính lẫn công nghệ còn kém, do thiếu chủ động, yếu liên kết… Chưa kể, còn một lý do rất… buồn cười, được ông Lê Duy Thành nhắc tới, là có hiện tượng các DN Việt cạnh tranh thiếu lành mạnh. “Đáng lẽ, nếu yếu thì họ nên liên kết với nhau, thì lại đi nói xấu lẫn nhau với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thành nói.
Hiến kế để DN FDI “bám rễ” vào nền kinh tế Việt Nam
Một cách hồ hởi, vị Phó tổng giám đốc của Samsung Electronics Việt Nam đã nói về những thành tựu trong phát triển hệ sinh thái cho chuỗi cung ứng của mình tại Việt Nam. 3 năm trước, mới chỉ có 4 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, nay con số đã tăng lên 25 và nhiều khả năng, tới cuối năm nay sẽ là 29.
Nhưng dù Samsung được GS. Nguyễn Mại nhắc đến như một bài học kinh nghiệm quý báu, thậm chí là một mô hình cần nhân rộng trong phát triển chuỗi cung ứng, thì ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài vẫn chưa hài lòng. Với ông Thắng, dù Samsung nỗ lực rất lớn, nhưng con số 29, thậm chí là 50 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung vẫn còn là quá nhỏ bé so với con số hàng trăm nghìn DN Việt Nam đang hoạt động.
Dễ hiểu vì sao ông Thắng nói thế. Bởi trong kỳ vọng của Việt Nam khi thu hút FDI, thì một trong những mục tiêu hàng đầu là tạo sức lan tỏa từ khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam. Song tổng kết 20 năm, 25 năm và giờ là 30 năm thu hút FDI, điều này vẫn được nhắc tới như là một trong những nhược điểm chính của dòng vốn FDI.
“Có 4 trách nhiệm mà chúng ta cần đề cập khi bàn về lan tỏa FDI. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về DN Việt Nam. Tôi đã tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho DN Nhật, Mỹ, và Hàn Quốc, họ nói rằng muốn thành công phải có hai yếu tố. Thứ nhất là tự tin, thì DN Việt lại tự ti. Thứ hai là phải chủ động, chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu”, GS. Nguyễn Mại nói.
Nhưng như thế chưa đủ, các DN phải có chiến lược phát triển, thích ứng với các yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài; luôn đổi mới, nâng cao trình độ để đáp ứng các yêu cầu. Và quan trọng không kém là Chính phủ cũng cần đề cao hơn nữa vai trò của hiệp hội, qua hiệp hội để gắn kết các DN trong nước và nước ngoài với nhau.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để tạo sức lan tỏa, thì vấn đề là phải làm sao để DN Việt Nam lớn lên, thu hẹp khoảng cách công nghệ với các DN lớn và tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng các chuỗi cung ứng, ông Matteo Boddi, Giám đốc Phòng Vật tư, Công ty Piaggio Việt Nam cũng đã nhấn mạnh mô hình cụm liên kết ngành, mà ở Italy cũng rất phát triển. “Bằng cách tạo các cụm liên kết ngành như vậy, nguồn lực được tập trung và như thế, thì DN Việt Nam mới lớn mạnh được, để trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI”, ông Matteo Boddi nói.
Mọi chuyện sẽ không dễ dàng, bởi câu chuyện này đã bàn từ nhiều năm qua mà chưa có giải pháp hữu hiệu. Song như khẳng định của ông Lê Duy Thành, đó là không có gì mà DN Việt Nam không làm được. “Giờ công nghệ có thể nhập khẩu. Thiếu vốn có thể đi vay. Vấn đề còn lại chỉ là DN có quyết tâm hay không mà thôi”, ông Thành nói.
Nguồn Báo Đầu Tư