Thứ Hai | 11/08/2014 10:35

Lâm Đồng: Cơ quan chức năng khuyến cáo không vội vàng chặt bỏ cây cao su

Với cây cao su, phải tính chu kỳ kinh doanh từ 20-25 năm chứ không thể vì giá cả sụt giảm trước mắt mà phá bỏ.
Lâm Đồng chưa xảy ra hiện tượng ồ ạt chặt bỏ cây cao su để trồng các loại cây trồng khác như một số tỉnh trong vùng, nhưng rải rác ở những vùng đất canh tác không phù hợp thì hiện tượng này cũng đã bắt đầu xảy ra, hoặc chí ít là người dân bỏ mặc loại cây trồng này cho nắng mưa. Mới đây, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra khuyến cáo nhà nông không nên vội vàng chặt bỏ cây cao su.

Theo số liệu của Sở NNPTNT Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 1.618 ha cây lâu năm trồng mới thì diện tích cây cao su chiếm 586 ha (đứng sau cây cà phê trồng mới 614 ha); trong đó, tập trung tại Đạ Tẻh 369 ha, diện tích còn lại là Đạ Huoai (158ha) và Cát Tiên (59ha).

Như vậy, tính đến giữa tháng 8/2014, Lâm Đồng có 8.793 ha cao su (trong tổng diện tích cây lâu năm 219.539 ha). Cây cao su ở Lâm Đồng chỉ mới được đưa vào trồng trong vài năm gần đây nên diện tích cho thu hoạch mủ chưa đáng kể.

Tại Đạ Huoai, với tổng nguồn vốn gần 5,7 tỉ đồng, từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện chuyển đổi được 730 ha cây trồng các loại; trong đó, diện tích được chuyển sang trồng cây cao su chỉ đứng thứ hai sau cây sầu riêng (158 ha so với 335 ha).

Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh hiện có 3.700 ha cây cao su trong tổng số 10.134 ha cây công nghiệp dài ngày. Trong 3.700 ha cây cao su hiện có của Đạ Tẻh, diện tích cao su tiểu điền của các hộ dân chiếm 1.447 ha; và hiện tại, với cây lâu năm, cao su là cây trồng có diện tích đứng thứ hai của Đạ Tẻh (sau cây điều 4.547 ha). Đưa ra những con số này để thấy rằng cây cao su đã thực sự chiếm một vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây trồng của Lâm Đồng, đặc biệt là đối với ba huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy nhu cầu mủ cao su trên thị trường thế giới vẫn sẽ tăng hằng năm (dự báo tăng 1,7% - tương đương 11,5 triệu tấn - năm 2014, 4,1% năm 2015 và 3,8% năm 2016) nhưng do cung vượt quá cầu nên dẫn đến tình trạng thừa mủ cao su khiến giá cả tụt giảm.

Qua quan sát thực tế, các cán bộ của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết: Trên địa bàn tỉnh chưa có hiện tượng chặt bỏ hàng loạt cây cao su nhưng việc tạm dừng khai thác và thiếu đầu tư thích đáng cho loại cây trồng này diễn ra khá phổ biến. Lãnh đạo sở này khuyến cáo: Với cây cao su, phải tính chu kỳ kinh doanh từ 20-25 năm chứ không thể vì giá cả sụt giảm trước mắt mà phá bỏ. “Không vội vàng chặt bỏ cây caosu” là thông điệp đang được phát đi từ cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng!

Nguồn Lao động


Sự kiện