Mặc dù là xu hướng của tương lai nhưng để tạo ra các sản phẩm làm đẹp tối giản lại không đơn giản. Ảnh: Quý Hoà.
Làm đẹp tối giản thăng hoa
Con người đang dần quên đi 77-49 bước chăm sóc da mất hàng giờ đồng hồ mỗi ngày khi làm đẹp tối giản (minimalism beauty) đang nổi lên như một xu hướng. Đặc biệt, từ năm 2022 ngành công nghiệp chăm sóc da đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với việc chăm sóc da hiệu quả, có mục tiêu rõ ràng từ Gen Z. Ước tính, trong 1 năm, có 51 lần Gen Z mua quà tặng bản thân, chi tiêu trung bình cho bản thân khoảng 828 USD/năm, theo Mirror. Khoảng 37% chăm sóc bản thân bằng cách đầu tư vào các sản phẩm chăm sóc da, trị liệu spa hay mua đồ trang điểm, đồ trang sức.
Bắt đầu manh nha từ cách đây 5 năm, trào lưu này đặc biệt phát triển mạnh trong và sau đại dịch COVID-19. Trong đại dịch, do ở nhà thường xuyên nên nhu cầu trang điểm ít hơn và nhiều người nhận thấy làn da của mình được cải thiện. Vì thế, xu hướng đó tiếp tục được duy trì cho đến bây giờ. “Thay vì mất 5 hay 7 bước cho việc làm đẹp mỗi ngày, giờ đây với các sản phẩm tích hợp, bạn chỉ cần 3, thậm chí 2 bước. Nhờ vậy, họ có nhiều thời gian hơn cho những việc khác”, ông Trần Thanh Hải, Quản lý Nhánh hàng chăm sóc cá nhân, Ngành nguyên liệu hóa chất, DKSH Việt Nam, lý giải.
Đáng chú ý, làm đẹp tối giản góp phần thúc đẩy tính bền vững vì khuyến khích mua sắm và tiêu thụ ít hơn. Đây cũng là một cách chăm sóc da đơn giản, tiết kiệm thời gian. Đó cũng là nguyên nhân khiến xu hướng mới này khuấy đảo ngành công nghiệp mỹ phẩm trên toàn cầu.
Các báo cáo cho thấy có khoảng 90% người tiêu dùng quan tâm và tin rằng các thành phần làm đẹp có nguồn gốc tự nhiên tốt cho bản thân và cho môi trường. Trong đó, 60% người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sắm. Các chỉ tiêu liên quan đến organic, thuần chay, không thử nghiệm trên động vật hay upcycled (tái sử dụng sáng tạo)... cũng được quan tâm. Con số này tại Việt Nam, theo khảo sát của DKSH, là khoảng 30% và đang tiếp tục tăng.
Ông Hải cho rằng, nhận thức về môi trường đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng. “Sản phẩm làm đẹp không chỉ tốt cho bản thân người dùng mà còn phải tốt cho môi trường, cho thế hệ sau. Làm đẹp cũng cần có trách nhiệm”.
Dưới góc độ của người tiêu dùng, làm đẹp tối giản giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, nhưng ở góc độ nhà sản xuất, làm đẹp tối giản cũng giúp tiếp kiệm chi phí vận hành, sản xuất, lưu kho và giảm thiểu khí thải ra môi trường.
Thực tế cho thấy, bên cạnh các thành phần từ thiên nhiên được ứng dụng trong sản phẩm, các sản phẩm làm đẹp ngày nay còn đáp ứng hàng loạt tiêu chí khác bao gồm sự ổn định về công thức, an toàn trên hệ vi sinh vật, không thử nghiệm trên động vật, sản xuất có trách nhiệm... Nhiều nhà sản xuất, từ bình dân đến cao cấp đã áp dụng hàng loạt biện pháp như tiết chế bao bì, hạn chế nhãn dán, dùng vỏ chai có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học...
Mặc dù là xu hướng của tương lai nhưng để tạo ra các sản phẩm làm đẹp tối giản lại không đơn giản. Nhà sản xuất không phải chỉ trộn các thành phần với nhau là có thể cho ra một sản phẩm đa nhiệm. Họ phải đầu tư công nghệ sản xuất mới cũng như nghiên cứu chuyên sâu để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người dùng. Đây chính là thách thức lớn cho ngành làm đẹp.
Tiến sĩ Cynthia Bailey, Chủ tịch và người sáng lập DrBaileySkinCare.com, nói với tờ Nylon rằng, mặc dù nhiều sản phẩm thuộc danh mục làm đẹp tối giản có thể đạt được kết quả trông tự nhiên hoặc dễ sử dụng và đơn giản, nhưng trên thực tế công thức của chúng lại không hề đơn giản. Điều này lý giải tại sao, các sản phẩm làm đẹp tối giản tại Việt Nam hiện nay đa phần đều là sản phẩm ngoại nhập.
Các tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới cũng có sự lúng túng nhất định trong việc thay đổi công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng xu hướng làm đẹp đang thịnh hành. Kết quả khảo sát của Kline cho thấy các công ty lớn trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân như Johnson & Johnson, Unilever và Estée Lauder ghi nhận doanh số bán hàng chỉ đạt mốc 1/3 mục tiêu được đề ra.
Ưu thế thuộc về những thương hiệu mới và có thích ứng kịp thời hơn. Kopari, Youth to People và Beauty Counter đã tăng doanh số bán hàng lên 3 con số trong những năm gần đây. “Cơ hội chia đều cho các thương hiệu lớn và nhỏ”, bà Franca Zanovello, CEO Zanovello Consultants, nói.
Đón đầu xu hướng này, từ hơn 5 năm trước, DKSH đã quy tụ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu thị trường, tiếp thị cho đến chuyên gia da liễu, hóa mỹ phẩm... để thiết lập công thức mới tại 16 trung tâm nghiên cứu và phát triển công thức trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân trên toàn cầu.
Ông Natale Capri, Tổng Giám đốc Ngành nguyên liệu hóa chất, thành viên Ban Quản trị Tập đoàn DKSH, cho biết nhờ sự chuyển dịch kịp thời và phối hợp nhịp nhàng giữa các trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu và tại các quốc gia, DKSH đã tung ra các dòng sản phẩm bắt nhịp được nhu cầu thị trường, đồng thời “giáo dục” được thị trường. Một trong những phương thức tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả, theo DKSH, là thông qua các beauty show thường niên do đơn vị này tổ chức.
Ông Capri đánh giá thị trường làm đẹp Việt Nam năng động và có tốc độ phát triển không kém gì các nước Đông Nam Á, nếu không muốn nói là dẫn đầu khu vực. Ông nhận định sự năng động, nhiệt huyết ở người Việt Nam sẽ giúp ích cho việc sáng tạo các xu hướng mới.
Có thể bạn quan tâm: