Thứ Tư | 02/07/2014 15:34

Làm chủ thị trường xuất khẩu gạo

6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, giảm 9,9% khối lượng và 8% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến với mức tăng gấp 2,65 lần về khối lượng và 2,69 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước chỉ ước đạt 3,2 triệu tấn, với giá trị 1,44 tỷ USD, giảm 9,9% về khối lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo, thời gian tới thị trường xuất khẩu gạo truyền thống sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt bởi các nước mới tham gia, tạo cơ hội cho các nước nhập khẩu gạo có sự lựa chọn sản phẩm với giá cả hợp lý, phương thức thanh toán linh hoạt.

Bên cạnh đó, các nước này còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm tự cung tự cấp lương thực, từng bước giảm nhập khẩu gạo... Ðây là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xuất khẩu gạo của nước ta. Bởi vậy, ngay đầu năm 2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu gạo chỉ ở mức 6,5 triệu tấn, giảm gần một triệu tấn so với năm trước. Tuy nhiên, gần đây Hiệp hội buộc phải hạ mục tiêu xuất khẩu xuống còn 6,2 triệu tấn.

Ðể không bị động trong cuộc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo, Bộ Công thương cần chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VFA và UBND các địa phương rà soát, nắm chắc số liệu về xuất khẩu gạo (kể cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch) cũng như số liệu tồn kho, dự trữ, lưu thông của các doanh nghiệp, diễn biến giá cả trên thị trường, bảo đảm chính xác về số liệu cung cầu lúa gạo trong nước.

Qua đó kịp thời xem xét, điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vào từng thị trường có hợp đồng tập trung, bảo đảm khai thác tối đa cơ hội xuất khẩu phù hợp với đặc thù từng thị trường. Cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường truyền thống và thị trường mới, nhất là triển khai có hiệu quả các bản ghi nhớ về thương mại nông sản đã ký, cần tranh thủ sự phối hợp với các cơ quan đại diện ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo; đưa nội dung hợp tác về thương mại gạo vào chương trình làm việc của Ủy ban liên Chính phủ với các nước nhập khẩu gạo số lượng lớn, tiềm năng; ưu tiên dành nguồn kinh phí bổ sung ngoài dự toán năm 2014 cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia phục vụ xúc tiến thương mại cho hạt gạo.

Với vai trò chủ đạo trong điều hành xuất khẩu gạo, VFA cần chủ động nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời giá sàn xuất khẩu gạo cho phù hợp với cân đối cung cầu, ngăn ngừa những diễn biến bất lợi. Ðồng thời, yêu cầu các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và các doanh nghiệp được ủy thác thực hiện xuất khẩu gạo phải khẩn trương thực hiện việc giao hàng xuất khẩu gạo cho các nước đã ký hợp đồng theo đúng chất lượng, tiến độ cam kết, bảo đảm uy tín, củng cố và giữ ổn định thị trường.

Trường hợp không thực hiện đúng chỉ tiêu hợp đồng tập trung đã phân bổ thì cần khẩn trương xử lý theo quy định, tránh tình trạng một số doanh nghiệp "xí phần" rồi để đấy gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo chung cả nước.

Nguồn nhandan.com.vn


Sự kiện