Ảnh: investasian.com

 
Ngọc Thủy Thứ Năm | 03/10/2019 14:00

Làm ăn ở Lào

Lào là vùng đất lập nghiệp của nhiều người Việt Nam.

K hông hẹn mà 3 homestay Mekong Riverside, Anna và Liberty Place người viết tình cờ ghé đến trong chuyến đi mới đây đến Lào đều thuộc quản lý của người Việt. Có người sang đây đã lâu và làm chủ khách sạn của mình, như bà chủ của Mekong Riverside. Có người mới đến nhưng quyết định lập nghiệp ở Lào như chàng trai sinh năm 1993, chủ của Liberty Place. Sau vài năm làm cho công ty nước ngoài có trụ sở ở Hà Nội, anh quyết định sang Lào, thuê lại Liberty Place khi ấy đang thua lỗ và tự kinh doanh. Trải qua quá trình đầu tư và tổ chức lại, Liberty Place giờ là một trong những điểm lưu trú được yêu thích tại Luang Prabang, đạt 9,1 điểm, theo trang Booking.com.

Theo thống kê từ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, năm 2018, có hơn 4,1 triệu lượt khách nước ngoài đến Lào, tăng 8,2% so với năm 2017. Tính theo tỉ lệ dân số Lào thì xứ sở Triệu Voi hiện là quốc gia có lượng du khách nước ngoài đến du lịch đông nhất khu vực. Đến năm 2020, số lượng du khách quốc tế đến Lào ước đạt hơn 6,2 triệu người và mang về nguồn thu khoảng 993 triệu USD.

Những thông tin này rất đáng chú ý, nhất là khi nhiều người Việt tham gia vào ngành du lịch Lào. Người Việt muốn nắm lấy cơ hội từ thị trường du lịch tiềm năng nhưng mới chỉ có 670 khách sạn, 2.432 nhà nghỉ ở Lào, theo số liệu từ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào.  Điều này lý giải vì sao, từ nhiều năm trước, một số doanh nghiệp Việt như Hoàng Anh Gia Lai, Mường Thanh đã có bước đi mạnh mẽ vào ngành khách sạn. Đặc biệt, sau 2 năm đưa vào hoạt động khách sạn 5 sao đầu tiên ở Lào mang tên Crowne Plaza, mới đây BIM Land dự tính đầu tư mở rộng thêm số lượng phòng khách sạn, căn hộ dịch vụ ở Viêng Chăn.

 

Bên cạnh du lịch, các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, thủy điện, thương mại, dịch vụ, ẩm thực Lào cũng rất thu hút người Việt dấn bước. Điển hình, Công ty Dao Heuang của bà Lê Thị Lượng đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân nổi bật nhất ở Lào. Đây là công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như trồng và chế biến cà phê, trà xanh, kinh doanh cửa hàng miễn thuế, khách sạn, hàng tiêu dùng, sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trà đóng chai, trái cây sấy, xây chợ. Đến nay, thương hiệu Đào café của Dao Heuang đã có mặt tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật... Phở Zap, nhà hàng Đồng Xanh, Hoàng Kim của người Việt cũng ăn nên làm ra.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), từng đánh giá, môi trường kinh doanh ở Lào có nét tương đồng như ở Myanmar trước đây, bắt đầu thời kỳ vươn mình nên các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, thiết bị sẽ càng lớn.

Dù vậy, vì dân số cả nước Lào chỉ hơn 7 triệu người, chưa bằng 1/3 dân số của riêng TP.HCM và văn hóa, lối sống thuần về Phật giáo đã ít nhiều hình thành nên tính cách hiền lành, an phận, ít ganh đua, ít ham muốn hưởng thụ, phô trương nơi người Lào. Vì thế, Lào không phải là thị trường hấp dẫn của tiêu dùng, mua sắm. Nhiều hãng thời trang như H&M, Zara, các nhà bán lẻ, các chuỗi F&B trên thế giới đã không chọn Lào trong các cuộc đổ bộ của họ. Tuy nhiên, Lào với nhu cầu nhập khẩu cao trong nhiều lĩnh vực đã tạo cơ hội thị trường cho hàng hóa các nước.

 

Để đẩy mạnh cơ hội làm ăn với Lào, ông Hòa thuộc ITPC cho biết 3 năm gần đây, TP.HCM đã tổ chức hơn 30 hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương của Lào. Gần nhất là ITPC đã  phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào, Tổng Lãnh sự quán Lào tại TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Savannakhet để cùng tổ chức Hội chợ trên đất Lào (từ ngày 25-29.9.2019). Hơn 200 gian hàng của doanh nghiệp Việt đã tham gia trưng bày. Những nỗ lực như vậy đã góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào liên tục tăng trưởng. Riêng 7 tháng đầu năm 2019, giao thương 2 nước đạt 663,7 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Vụ châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Công Thương, vì thiếu thông tin về thị trường Lào, hoạt động tại chợ biên giới còn hạn chế, cơ sở hạ tầng xuống cấp... mà hàng hóa Việt Nam ở Lào chỉ chiếm thị phần nhỏ so với Thái Lan. Chẳng hạn, Thái Lan hiện giữ khoảng 90% thị phần xăng dầu tại Lào trong khi con số này của Việt Nam chỉ từ 7-8%. Hay xi măng clanke, Việt Nam chỉ chiếm được 28-29%, còn Thái Lan nắm 66%.

Việt Nam hiện xếp sau Thái Lan, Trung Quốc trong tổng đầu tư vào Lào. Phải cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan là một thách thức không nhỏ cho cá nhân, doanh nghiệp Việt khi làm ăn ở Lào. Bên cạnh đó, đầu tư vào Lào cũng dự báo sẽ khó khăn khi môi trường đầu tư, phát triển kinh tế Lào luôn bị đánh giá thấp do hạn chế về cơ chế, thông tin chưa minh bạch, thủ tục rườm rà, thiếu nhất quán và cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực Lào còn yếu..