Thứ Năm | 03/01/2013 09:20

'Lãi suất vẫn có thể giảm tiếp'

Với mục tiêu lạm phát năm nay là 6%, vẫn còn nhiều cơ hội cơ hội giảm lãi suất xuống dưới 8%, theo khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Trong báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng tổng cầu của nền kinh tế còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Lạm phát năm 2012 đã đạt mục tiêu "một con số" khi chỉ đạt 6,81%.

Do vậy, một trong những giải pháp cần quan tâm đặc biệt theo Ủy ban này là giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, nếu đặt mục tiêu lạm phát cả năm 2013 là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng. "Hơn nữa, việc xét tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới thì việc tiếp tục hạ lãi suất vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây áp lực tỷ giá", báo cáo này lý giải.

Về lo ngại người dân rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác khi lãi suất hạ, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tiếp tục loại bỏ. Nguyên nhân là bối cảnh kinh tế hiện nay không thuận lợi cho các kênh đầu tư, đầu cơ như chứng khoán, bất động sản hay kể cả găm giữ ngoại tệ.

Năm 2012, dù tổng phương tiện thanh toán tăng khá mạnh nhưng lạm phát cả năm vẫn được kiểm soát tốt. Do đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán để việc hạ lãi suất không tác động mạnh đến lạm phát.

Trước đó, Ủy ban này cũng là cơ quan mạnh mẽ kêu gọi Ngân hàng Nhà nước hãy mạnh dạn giảm lãi suất về 8% để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Năm 2012, sau khi về 8%, trần lãi suất huy động từ 14% một năm đã qua 5 lần điều chỉnh giảm với tổng mức điều chỉnh là 6 điểm phần trăm.

Tại cuộc hội thảo vào cuối tháng 12/2012, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cũng cho rằng lãi suất vẫn có thể về 7% vào năm 2013. Thậm chí, theo ông Nghĩa, dần dần Ngân hàng Nhà nước có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động sau khi đã chỉnh nắn được thị trường liên ngân hàng, xử lý xong các ngân hàng yếu kém.

Mặc dù không tuyên bố có giảm tiếp lãi suất hay không nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết mỗi bước đi để giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đều phải hết sức thận trọng , Theo ông, lãi suất giảm phụ thuộc nhiều vào khả năng nền kinh tế có kiềm chế lạm phát hay không. Như vậy, việc điều hành chính sách lãi suất trong năm 2013 sẽ tiếp tục căn cứ vào diễn biến của lạm phát. Ngược lại, kiềm chế lạm phát lại phụ thuộc rất lớn vào lãi suất thị trường bởi hạ lãi suất sẽ gây áp lực rất lớn cho lạm phát. Nói về câu chuyện "con gà - quả trứng" này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên đánh giá tình hình, diễn biến lạm phát để nhanh chóng điều chỉnh lãi suất".

Năm 2011, mỗi quý lãi suất giảm nhỏ giọt nhưng trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có những bước điều chỉnh lãi suất theo chính nhận xét của Thống đốc là "rất nhanh" từ 14% về 9%. Tuy nhiên, đến động thái đưa lãi suất từ 9% về 8% một năm thì Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng phải thừa nhận là "mất nhiều thời gian cân nhắc". "Lạm phát của năm 2012 ở các tháng biến động lớn nhưng riêng tháng 9, CPI đã tăng 22%. Nói cách khác, nguy cơ lạm phát bùng nổ trở lại hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, chỉ khi có kết quả lạm phát của cả năm 2012, chắc chắn ở mức kiểm soát được thì Ngân hàng Nhà nước mới hạ lãi suất về 8% như vừa qua", ông Bình phân trần.

(Theo VnExpress)