Lãi suất USD khó giảm do lách trần huy động
Tuy nhiên, do vốn huy động USD giảm mạnh đã ảnh hưởng đến lãi suất tín dụng ngoại tệ. Để có nguồn vốn USD tài trợ theo hạn mức đã cam kết khi mở L/C cho doanh nghiệp, một số NHTM sẵn sàng lách trần lãi suất huy động USD.
Theo đó, trần lãi suất huy động USD với khách hàng doanh nghiệp 0,5%/năm, với khách hàng cá nhân 2%/năm. Nhưng khi cần vốn, các NHTM sẵn sàng chi thêm 3-4%/năm, từ đó chỉ cần cho vay ra 5-6%/năm các NHTM vẫn có lợi.
"Tình trạng lách trần lãi suất USD đang là rào cản đối với việc kéo giảm lãi suất huy động USD. Chỉ những NHTM thừa vốn USD mới có thể cho vay lãi suất USD rẻ" - vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức lãi suất cho vay USD 5%/năm rất hiếm và chỉ dành cho những doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn thuộc các ngành ưu tiên xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su… Đối với những mặt hàng xuất khẩu thông thường và doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn áp dụng 7-8,5%/năm.
Trong khi đó, hiện nay lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chỉ 2-3%/năm, nên các ngân hàng nội cũng đang chịu áp lực giữ chân khách hàng vay vốn. Theo đó, một số NHTM lớn đang có chính sách lãi suất rẻ cho doanh nghiệp lớn. Đặc biệt các NHTM có uy tín có thể vay USD ở các định chế tài chính nước ngoài với lãi suất rẻ 2-3%/năm, sau đó cho doanh nghiệp trong nước vay với lãi suất từ 5%/năm trở xuống.
Về áp trần lãi suất cho vay để kéo mặt bằng lãi suất xuống, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, chưa cần thiết phải áp trần lãi suất cho vay USD ở mức thấp, nhất là khi NHNN đang siết tín dụng ngoại tệ. Vì thế, việc các NHTM phân tầng lãi suất cho vay USD tùy từng đối tượng khách hàng là phù hợp.
Nếu có áp trần cho vay USD, NHNN chỉ nên xem xét chọn lọc đối tượng được hưởng lãi suất rẻ nhằm tránh tâm lý thích vay ngoại tệ của doanh nghiệp, tạo áp lực lớn lên tỷ giá khi tín dụng ngoại tệ đến thời điểm đáo hạn.
Nguồn Sài gòn Đầu tư