Lãi suất ODA tăng, doanh nghiệp cũng sẽ khốn khó theo?
ODA, món ngon giá rẻ trong thời gian dài, ðã bắt đầu xuất hiện “vị chát”. Mới đây, Bộ Tài chính đã nêu lên những con số đáng giật mình. Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Quốc tế (Bộ Tài chính), mức độ ưu đãi của những khoản cho vay từ các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng bất lợi.
Thay đổi lớn tập trung vào hai yếu tố cốt lõi nhất liên quan đến lợi ích và sự ổn định của hầu hết các khoản ODA là kỳ hạn và lãi suất. Đáng lưu tâm nhất, vốn vay ODA đang chiếm tỉ trọng lớn cấu thành nên tổng dư nợ công quốc gia, dư nợ này sẽ đạt ngưỡng “đỏ” 65% GDP vào năm sau.
Thay đổi đầu tiên là kỳ hạn trung bình của các khoản vay vốn ODA còn hiệu lực đồng loạt rút ngắn còn trên dưới 50% thời gian. Thời hạn cho vay ODA của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á trước thời điểm năm 2010 thường lên tới tối đa 40 năm. Từ năm 2011 đến nay, thời hạn này chỉ còn tối đa 20 năm, bao gồm cả thời gian ân hạn. Nguyên do là từ 5 năm trước, Việt Nam đã xếp trong nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Các chủ nợ truyền thống của Việt Nam, không kể đến yếu tố hiệu quả sử dụng đồng vốn ODA, cũng đồng loạt yêu cầu phải được trả nợ nhanh hơn. Hệ quả là bình quân thời gian vay nợ hiện nay rút xuống còn 12,5 năm cho các khoản nợ công. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định khoản vay có thời gian dài nhất hiện có của Việt Nam cũng chỉ đến năm 2055. Trong vòng 5 năm bắt đầu từ năm 2022, căng thẳng về dòng tiền trả lãi và gốc vốn vay ODA sẽ đạt đỉnh.
Vì thế, việc phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp trong vài năm gần đây cũng thay đổi mạnh về cấu trúc kỳ hạn. Điển hình, năm ngoái, kỳ hạn bình quân trái phiếu huy động kéo dài tăng lên 2 năm so với năm 2014. Trong 220.000 tỉ đồng ngân sách dự kiến sẽ thu về được trong năm 2016 từ hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ, kỳ hạn trên 5 năm sẽ bắt buộc chiếm trên 70%. Động thái này cho thấy cơ quan điều hành đang cân đối lại khoản nợ quốc gia và nỗ lực giảm những tác động, sự phụ thuộc của nguồn vay ngoại tệ từ quốc tế, trong đó có vay ODA, sang nguồn vay từ trong nước để phục vụ cân đối ngân sách.
Lãi suất vay ODA cũng ngày càng đắt hơn và không ngoại trừ khả năng một “mặt sàn” lãi suất vay vốn mới đã được thiết lập. Lãi suất vay trung bình của các khoản nợ ODA bằng ngoại tệ của Việt Nam đã dịch chuyển theo chiều hướng đi lên từ 0,8% (2010) lên mức 2-3,5% ở thời điểm hiện tại. Cuối năm ngoái, sự kiện Việt Nam được chấp thuận phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với trị giá 3 tỉ USD, kỳ hạn từ 10-30 năm, cũng nhằm mục tiêu cơ cấu lại nợ trong nước.
Còn nhớ, năm 2014 Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lợi suất cố định 4,8%/năm. Giữa năm ngoái, Ngân hàng Vietcombank cũng đã hoàn tất giao dịch mua 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm từ Bộ Tài chính với lãi suất cũng xoay quanh mức 4,8%/năm.
Có thể thấy chỉ sau 1 năm, chi phí đi vay của ngân sách quốc gia đã đắt hơn vì tuy có lãi suất tương đương, nhưng kỳ hạn vay đã ngắn lại. Giới tài chính quốc tế đánh giá, nếu mặt bằng lãi suất vay ưu đãi ODA chạm ngưỡng 3,5% thì lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam nhiều khả năng không thấp hơn ngưỡng này.
Tỉ lệ thuận với chiều đi lên của lãi suất vay ngoại tệ, lãi suất bằng tiền đồng cũng có diễn biến tăng dần. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VPBS, trên thị trường nợ, mặt bằng chung lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, lợi suất trái phiếu 5 năm đạt 7-7,3% (2016) so với mức 6,58% (2015) và 6,54% (2014).
Xét trên bình diện vĩ mô, thông thường khi giá vốn vay của cả một quốc gia đang ở mức lãi suất mới, vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ khó có lãi suất thấp hơn được. Những năm tới, nếu muốn giảm dần tỉ lệ nợ/GDP, việc Chính phủ cân nhắc chính sách thắt chặt tài khóa có thể sẽ diễn ra.
Nửa năm trước, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam, tổ chức này đã xác nhận giá trị nợ công đã đạt 110 tỉ USD. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% (2010) lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.
Nguyên nhân trực tiếp nằm ở mức bội chi ngân sách 2015 là 254.000 tỉ đồng, tương đương 4,95% GDP. Trong đó, tổng chi cân đối ngân sách (1.273.200 tỉ đồng) luôn có “truyền thống” cao hơn rất nhiều so với tổng thu (1.019.200 tỉ đồng).
Do Ngân hàng Nhà nước chỉ gia hạn vay ngoại tệ đến hết tháng 3.2016, sau đó sẽ xem xét lại đối tượng đi vay ngoại tệ, đòi hỏi nhà điều hành doanh nghiệp nên có xu hướng thay đổi tư duy vay vốn. Với ngân hàng, trước đây, doanh nghiệp Việt thường gửi và vay vốn bằng ngoại tệ thì nay, họ cần nghĩ đến quan hệ mua - bán ngoại tệ thông qua các hợp đồng kỳ hạn và hoán đổi lãi suất nhằm chủ động phòng ngừa rủi ro.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, khẳng định: “Doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận thực tế rằng trong năm 2016, tỉ giá sẽ biến động nhiều hơn năm 2015”. Cụ thể, nếu lãi suất đồng USD tăng lên mà lãi suất tiền đồng không điều chỉnh thì sẽ tạo áp lực lên tỉ giá. Do đó, doanh nghiệp nếu không đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ tốt, nên ngay lập tức cân nhắc thay thế, chuyển đổi các khoản vay tín dụng từ USD sang đồng nội tệ.
An Cầm