Lãi suất lên xuống: Tiền lại chảy về chỗ trũng
Sau 2 năm liên tục giảm, đến nay những người đi gửi tiền có thể cảm thấy vui hơn một chút khi lãi suất huy động trên thị trường có dấu hiệu đảo chiều. Lãi suất lên xuống là chuyện bình thường ở mỗi ngân hàng, nhưng khi cả hệ thống đều đồng loạt điều chỉnh thì lại phát đi tín hiệu chung về một mặt bằng lãi suất mới đang được hình thành. Và với người đi vay, họ có lý do để lo ngại.
Lãi suất huy động đồng loạt tăng
Lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng ở hầu hết các ngân hàng và trải dài ở các kỳ hạn. Tại HDBank, chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,7%/năm lên 5%/năm, hay Eximbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm, bao gồm cả những ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank hay Ngân hàng Á Châu.
Ngay cả các ngân hàng cổ phần nhà nước chi phối, vốn được coi là có thanh khoản dồi dào và đi đầu trong các đợt giảm lãi suất trước đây, cũng điều chỉnh tăng lãi suất. Ngân hàng BIDV tăng 0,2-0,5 điểm phần trăm tùy kỳ hạn; VietinBank tăng cao nhất là 0,5 điểm phần trăm; còn Agribank thì lại điều chỉnh kỳ hạn dài, 18 tháng trở lên.
Đây đều là mức tăng nhẹ trở lại ở các ngân hàng sau một thời gian dài giảm mạnh. Tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống còn 5,5%/năm. Hiện nay, mặt bằng lãi suất mới vẫn còn thấp hơn mức trần này. Báo cáo hồi cuối tháng 6 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy biên độ dao động của lãi suất không thay đổi so với mặt bằng chung.
Vậy đâu là lý do khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng lên? Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng rất tốt và cần huy động thêm vốn để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 6, tín dụng tăng 6,28% so với cuối năm 2014 (tính đến ngày 19.6), cao hơn nhiều mức 3,52% của cùng kỳ năm ngoái (tính đến hết tháng 6.2014).
Tốc độ giải ngân tăng cao hơn tốc độ gửi tiền vào cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng phải huy động thêm vốn. Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số dư tiền gửi khách hàng ước tăng 4,58% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm 2014 là 5,26%.
Nhu cầu về vốn tăng lên dẫn đến chuyện giá vốn tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, lãi suất tăng lên một phần còn là vì chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Và nguyên nhân gián tiếp đến từ tỉ giá.
Áp lực tỉ giá
Hồi tháng 5 năm nay, trong lúc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1% thì ở một thị trường khác, một lượng tiền lớn từ các ngân hàng cũng chảy ra. Trên thị trường mở, từ đầu năm 2015 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 92.500 tỉ đồng; riêng từ đầu tháng 5 trở lại đây, con số này là 72.500 tỉ đồng. “Một lượng tiền lớn trong hệ thống bị hút ra thì lãi suất tăng lên là điều dễ hiểu”, ông Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói.
Trên thực tế, tiền đồng đang chịu sức ép rất lớn kể từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước hiện đã điều chỉnh hết dư địa biên độ tỉ giá 2% trong năm của mình. Thông thường, để giữ vững mức tỉ giá mục tiêu, cơ quan quản lý sẽ bán USD ra thị trường để cân bằng. Tuy nhiên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước lại hút tiền đồng về, nhằm giảm áp lực mất giá đồng nội tệ.
Cách làm này sẽ giúp cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đỡ bị tiêu hao nguồn lực. Dù vậy, điều dễ thấy là nó ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản của các ngân hàng, buộc họ phải tăng lãi suất trên thị trường. Thanh khoản của ngân hàng ở giai đoạn lãi suất tăng hồi đầu tháng 6 dường như chưa tốt, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn tăng mạnh. Cụ thể, lãi suất qua đêm từ mức 1,08% (mức đáy kể từ đầu năm đến nay) tăng liên tục lên đến 4,2% vào ngày 11.6, theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng diễn biến tương tự. “Thanh khoản của hệ thống kém dồi dào hơn trước”, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS nhận định.
Thế nhưng, từ hơn một tuần trở lại đây, thanh khoản trong hệ thống đã đi vào ổn định. Sau khi các ngân hàng đã điều chỉnh xong mặt bằng lãi suất huy động mới, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn đã giảm về mức thấp, ngang bằng với thời điểm đầu năm.
Ngay khi có những lo ngại về việc lãi suất tăng, lập tức Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi họp báo để trấn an dư luận. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng lãi suất huy động tăng cao chỉ mang tính cục bộ và không phải xu hướng chung. Vậy một câu hỏi đặt ra là liệu trong tương lai lãi suất có tăng hay không?
Kỳ vọng của bà Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là lãi suất về cơ bản sẽ ổn định như hiện nay. Kỳ vọng này đã thay đổi so với chỉ khoảng 3 tháng trước đây. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn mong muốn mặt bằng lãi suất chung sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm.
Với những diễn biến mới của thị trường và Việt Nam vẫn còn chịu áp lực nặng nề từ các yếu tố vĩ mô tác động đến tỉ giá, ông Tuấn cho rằng việc duy trì được tỉ lệ cho vay hiện nay cũng đã tương đối tốt.
“Cái khó của Ngân hàng Nhà nước là cam kết duy trì quá nhiều mục tiêu: duy trì cả tỉ giá lẫn lãi suất”, ông Tuấn nói. Việc cân bằng thị trường tỉ giá và thị trường tiền tệ là điều không hề đơn giản. Trong thời gian tới, đồng nội tệ còn phải chịu nhiều sức ép khi USD có xu hướng tăng, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Việt Nam được dự báo sẽ không mấy dễ chịu (theo Tổng cục Hải Quan, tính đến ngày 15.6 thâm hụt thương mại lên đến 3,66 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái lại thặng dư).
Dù vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ công cụ để thực hiện những gì đã cam kết. Cơ quan này có thể bơm ngược vốn trở lại thị trường thông qua các kênh tái cấp vốn hay thị trường mở, giúp duy trì lãi suất. Nhưng đồng thời cũng phải giữ vững cân bằng trên thị trường ngoại tệ bằng cách bán ra đồng USD ở mức độ phù hợp. Tất nhiên, tỉ giá càng chịu áp lực nặng nề thì Ngân hàng Nhà nước sẽ càng vất vả hơn.
Còn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thì cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi diễn biến của thị trường để có giải pháp phù hợp, thậm chí sẵn sàng tái cấp vốn cho ngân hàng để ổn định lãi suất cho vay.
Việt Dũng