Chính phủ nhất quán với yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 13/05/2024 09:00

Lãi suất lên từ đáy

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang dò đáy ở mức thấp kỷ lục trong 20 năm qua phát đi nhiều tín hiệu mới của nền kinh tế.

Kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc với điểm sáng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất mạnh mẽ. Sự phục hồi đó đến từ nhu cầu của thế giới về hàng hóa của Việt Nam khởi sắc và lực đỡ từ các dòng vốn FDI ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô của Việt Nam so với một số nước trong khu vực tương đối tốt.

Thận trọng về lãi suất 

Với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo ở mức thấp. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngại về đà giảm của lãi suất khi lực cản kinh tế còn nhiều như đầu tư tư nhân chững lại, thậm chí giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng. Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6%, thấp hơn mức 6,7% đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ có thể chuyển trọng tâm sang biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam vẫn phải tiếp tục những chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT cần cân nhắc kéo dài đến hết năm.

Chính phủ nhất quán với yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Hiện các ngân hàng đã được giao chỉ tiêu tín dụng với mức tăng khoảng 15% toàn hệ thống, ước tính khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã cải thiện trong quý I/2024, nhất là sự phục hồi ngoại thương, song các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm thời gian để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó tạo sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng MB, cho biết.

Trong khi đó, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy. UOB dự báo lãi suất tiết kiệm có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Đà tăng dài hạn

Thực tế, sau thời gian giảm mạnh, từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng ngân hàng tăng lãi suất huy động nhiều hơn với mức tăng từ 0,1-0,3%/năm. Mặc dù mức tăng chưa lớn, nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện rằng ngân hàng cũng bớt tình trạng “thừa tiền”. Dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và gần chạm đáy.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, chỉ đạo của Chính phủ phải tiếp tục giữ lãi suất cho vay ở mức thấp. Do vậy, lãi suất huy động có thể tăng ở một số kỳ hạn, thường là kỳ hạn dài (từ 1 năm trở lên).

Kết thúc quý I/2024, tín dụng tăng trưởng khoảng 1% so với cuối năm 2023. Như vậy, sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, tín dụng đạt mức tăng dương là một tín hiệu cho nhu cầu vốn vay trong nền kinh tế đã hồi phục. Động thái một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cho thấy họ muốn tranh thủ để hút tiền gửi, chuẩn bị cho việc tăng lãi suất cho vay có thể vào quý cuối năm.

Biến số của lãi suất đến từ áp lực lạm phát, tỉ giá đang tăng lên và mặt bằng lãi suất sẽ nhích lên trước sức ép tỉ giá. Tỉ giá biến động mạnh như năm 2011, góp phần vào vòng xoáy lạm phát. Theo dữ liệu từ Bloomberg, có hơn 13 thị trường mới nổi đã mất giá hơn 1% so với đồng USD chỉ trong 3 tuần của tháng 4. Không chỉ đồng tiền của các thị trường mới nổi, mà đồng tiền của các nền kinh tế phát triển cũng chịu sức ép giảm giá so với USD.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỉ giá VND/USD hiện đã mất giá 4,9% so với đầu năm.
Các chuyên gia cho rằng áp lực tỉ giá sẽ còn dai dẳng theo diễn biến giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, VND và các đồng tiền khác có khả năng sẽ tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau năm 2024, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại. Nguồn lực dự trữ ngoại hối có hạn nên Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn để kiểm soát biến động tỉ giá.

Tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng trong điều kiện của Việt Nam, giữ tỉ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay. Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.