Thứ Bảy | 08/06/2013 14:02

"Lãi suất huy động xuống dưới 4,6% sẽ không ai gửi tiền"

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần cố gắng duy trì ổn định lãi suất huy động ở mức 6-6,5% và lãi suất cho vay khoảng 9-10% trong dài hạn.
Tại hội thảo về nợ xấu và lãi suất diễn ra hôm qua (ngày 7/6), TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Thủ tướng nhận định, lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng giảm.

"Tuy nhiên, nếu giảm xuống dưới 4,6% thì Việt Nam sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", nghĩa là ở lãi suất huy động thấp hơn mức đó thì sẽ không ai gửi tiền vào ngân hàng nữa", ông Nghĩa cho biết.

Để khỏi tác động tâm lý nặng nề cho người gửi, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần cố gắng duy trì lãi suất ổn định trong dài hạn. Trong đó, lãi suất huy động nên giữ ở mức 6-6,5% và lãi suất cho vay khoảng 9-10%.

Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô châu Á, trong đó có Việt Nam, chuyên gia Glenn B. Magui từ Ngân hàng ANZ cũng cảnh báo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần cẩn trọng trong giảm lãi suất để tránh nguồn tín dụng quá dễ dàng sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại.

Theo nhận định của Glenn, việc giảm lãi suất có thể giúp tăng cầu tín dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện đang bị kìm lại ở phía cung. Do vậy, việc này chỉ có thể được giải quyết bằng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo đó, việc Chính phủ đưa Công ty quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động trong quý II là tín hiệu đáng mừng.

“Chính sách tiền tệ cẩn trọng vào thời điểm này nên tập trung vào việc duy trì lãi suất ở mức phù hợp khi nguồn cung tín dụng đã tốt hơn. Tất nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nếu lạm phát tiếp tục giảm xuống dưới mức dự đoán của NHNN thì cơ quan này sẽ có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay”, chuyên gia ANZ đánh giá.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu tiếp tục đặt gánh nặng lên lãi suất, rất có thể sẽ tạo hiệu ứng ngược. Theo phân tích số liệu báo cáo tài chính của 36 NHTM, tính đến cuối tháng 3/2013, lãi suất đầu ra bình quân là 10,61%/năm, giảm so với mức 11,66%/năm tại thời điểm cuối năm 2012; và lãi suất đầu vào bình quân là 7,58%/năm giảm so với 8,28%/năm cuối năm 2012.

Như vậy hiện chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%. Nhưng nếu trừ chi phí này thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm cuối năm 2012.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD sụt giảm mạnh. Đó là chưa kể, do tăng trưởng tín dụng gặp khó song huy động vốn vẫn tốt, khiến chênh lệch thu chi của các TCTD quý I/2013 giảm 17% so với cùng kỳ 2012.

Do đó, một số chuyên gia cảnh báo nếu các TCTD tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, vừa phải tăng trích lập dự phòng rủi ro rất có thể nhiều TCTD chuyển sang lỗ sẽ dẫn tới rủi ro, đe dọa sự ổn định của hệ thống và nền kinh tế.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện