Thứ Năm | 08/11/2012 08:26

Lãi suất huy động vàng tăng trở lại

ACB áp lãi suất chứng chỉ huy động vàng cao nhất lên tới 1,8%/năm.
Sau hơn 1 tuần hạ nhiệt bởi thông tin Ngân hàng Nhà nước hoãn thời gian tất toán vàng cho các tổ chức tín dụng thêm hơn 6 tháng (từ 25/11/2012 lùi sáng 30/6/2013), lãi suất chứng chỉ gửi vàng tăng trở lại.

Cụ thể, tại ngân hàng Á Châu (ACB), từ ngày 7/11, với chương trình trình ưu đãi cho khách hàng chuyển đổi, lãi suất chứng chỉ huy động vàng lên cao nhất 1,8%/năm. Theo đó, khách hàng có chứng chỉ gửi vàng đáo hạn trước ngày 7/11 nếu muốn gửi tiếp ở ACB với kỳ hạn 4,5 hoặc 6 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 1,2%; 1,5% và 1,8%/năm.

Với chương trình huy động vàng truyền thống, ACB áp lãi suất chứng chỉ huy động cao nhất ở mức 1%/năm với kỳ hạn 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ. Ở kỳ hạn 4 và 5 tháng, lãi suất lần lượt là 0,8%/năm và 0,9%/năm. Với chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn, lãi suất giảm ở 0,1%/năm tất cả kỳ hạn.

Trước đó, chương trình huy động vàng thông thường tại ACB chỉ áp tối đa kỳ hạn 2 tháng với lãi suất 1,6%/năm. Sau khi có thông tin giãn của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động vàng giảm xuống 0,5%/năm.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng kỳ hạn huy động vàng lên cao nhất 6 tháng, từ mức 2 tuần trước đó. Lãi suất chứng chỉ gửi vàng lên 1%/năm với kỳ hạn 6 tháng, từ mức 0,5%/năm trước đây.

Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) cũng là một trong số những ngân hàng phải tiếp tục huy động vàng để cân bằng trạng thái. Tuy nhiên, kỳ hạn huy động của ngân hàng này lên tới 9 tháng với lãi suất 1%/năm. Ngân hàng Nam Á (NamABank) cũng mở kỳ hạn huy động lên 8 tháng, lãi suất chung là 1%/năm.

Phát biểu trước Quốc hội sáng 31/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, từ đầu năm đến nay đã mua được 60 tấn vàng. Trong khi đó, dẫn số liệu không chính thức sơ bộ, Thống đốc cho hay nền kinh tế nước ta có khoảng 300 đến 400 tấn vàng.

Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc cũng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối. Theo đó, cơ quan này sẽ tổ chức lại mạng lưới mua bán vàng miếng thông qua cấp phép cho doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Ở một diễn biến khác, nguồn tin từ Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 7/11 cho rằng, chỉ trong vài ngày nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phương án phù hợp để chuyển đổi vàng miếng phi SJC thành vàng SJC.

Nguồn Khampha


Sự kiện