Thứ Sáu | 12/07/2013 14:42

"Lãi suất huy động thực với kỳ hạn ngắn đã âm"

Theo HSC, các ngân hàng giảm lãi suất huy động do áp lực từ phía NHNN muốn giảm lãi suất và cũng để cải thiện tỷ lệ NIM.
Hôm qua (11/7), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bất ngờ giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5% (giảm 1% so với trước đây và thấp hơn trần lãi suất huy động 2%). Agribank cũng đang áp dụng lãi suất huy động 5% cho kỳ hạn 1 tháng. BIDV và VietinBank lần lượt áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 6% và 6,5%.

Theo các chuyên gia từ công ty chứng khoán TPHCM (HSC), như vậy, lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh không chỉ thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động mà còn thấp hơn lợi suất trái phiếu và tốc độ tăng CPI theo năm. Trong khi đó, chính phủ mong muốn giảm lãi suất cho vay và coi việc giảm lãi suất huy động là biện pháp hữu hiệu nhất để đạt được điều này; theo đó lãi suất huy động thực đối với kỳ hạn ngắn đã âm.

HSC cho rằng, các ngân hàng có 2 lý do để giảm lãi suất huy động, một là áp lực từ phía NHNN muốn giảm lãi suất và hai là để cải thiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) đang trên đà giảm.

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng đã giảm mạnh vì một số ngân hàng đã phải chuyển từ vốn huy động bằng vàng có chi phí thấp sang vốn huy động tiền đồng có chi phí cao hơn nhiều; theo đó lãi suất huy động khi chuyển như vậy bình quân sẽ tăng tới 5%.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc và phân loại lại nợ đã ảnh hưởng làm giảm tỷ trọng của nợ nhóm 1. Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức ghi nhận kế toán đối với lãi nhận được vì đối với nợ nhóm 2-5, ngân hàng không được phép ghi nhận trước lãi cho đến khi thực nhận được tiền.

HSC cho rằng, các ngân hàng chẳng hạn như VCB thuộc khối ngân hàng quốc doanh (và MBB - khả quan, thuộc khối ngoài quốc doanh) có thể giảm lãi suất mạnh hơn mà không làm ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng huy động vì các ngân hàng này có uy tín là các TCTD mạnh và do đó có thể thu hút được các nguồn tiền gửi ổn định.

Trên thực tế, các ngân hàng như vậy vốn đã có lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác nhờ tỷ trọng vốn huy động từ các DNNN cao hơn. Các ngân hàng này còn có khuynh hướng áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng chung của thị trường (bên cạnh các NHQD), hiện từ 12-12,5% đối với các khoản vay kỳ hạn từ 6-12 tháng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các NHTMCP ngoài quốc doanh còn lại sẽ không áp dụng lãi suất thấp như trên vì một số ngân hàng trong số này cần phải thu hút vốn huy động tiền đồng thay thế cho vốn huy động bằng vàng đã được tất toán và trả lại cho người gửi trong khi một số khác cần giảm hệ số tỷ lệ dư nợ trên tổng vốn huy động (LDR) về mức quy định là 80%.

Do vậy, theo HSC, triển vọng đối với cả lãi suất huy động và cho vay là sẽ sự phân hóa về lãi suất giữa các ngân hàng trong đó các ngân hàng mạnh có khả năng áp dụng lãi suất cho vay và huy động thấp hơn mặt bằng chung mà không làm ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng (huy động và cho vay).

Nguồn Dân Việt


Sự kiện