Báo Hải Quan
Lãi suất huy động sẽ tăng dịp cuối năm
Chính vì thế, lãi suất huy động luôn trong tình trạng “ngấp nghé” tăng, có thể kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng.
Thanh khoản dồi dào
Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm 2017. Hơn nữa, NHNN cũng cho biết, thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp. Thanh khoản ngân hàng tốt được thể hiện khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đà giảm mạnh từ khoảng giữa quý II, xuống dưới mức 1% trong quý III.
Cùng chung nhận định, theo báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến tháng 9, lãi suất huy động bình quân giảm 0,03-0,05 điểm % so với cuối quý II/2017 và ở mức tương đương so với thời điểm đầu năm. Mặc dù lãi suất giảm nhưng huy động vốn 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, ước tăng 11,2% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,1%); trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 10,9% so với cuối năm 2016. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, tỉ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 87,2% (năm 2015 là 85,6%).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã “rục rịch” tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,4% và tung ra các chương trình khuyến mãi để hút khách hàng gửi tiền. Nói về nguyên nhân để các ngân hàng tăng lãi suất huy động, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho hay, tăng lãi suất huy động là tín hiệu từ thị trường, hoàn toàn do thị trường điều tiết nhưng vẫn có sự giám sát của NHNN để đảm bảo thị trường ổn định, hoạt động theo những chỉ tiêu đặt ra. Hơn nữa, theo ông Vượng, thanh khoản của các ngân hàng vẫn tương đối tốt, thậm chí là thừa vốn, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng nhẹ lãi suất huy động để cạnh tranh, giữ khách hàng; đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, lãi suất huy động tăng cuối năm còn nhằm đảm bảo các chỉ tiêu theo tỉ lệ an toàn mà NHNN quy định.
Cũng nhờ thanh khoản dồi dào, theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Khối khách hàng DN nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), cuối năm là mùa cao điểm đón dòng vốn nên các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động; nhưng ABBank tăng lãi suất huy động sẽ đảm bảo không kéo theo tăng lãi suất đầu ra, bởi ABBank đã có nguồn vốn đặc biệt để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Ngoài ra, bà Nga khẳng định, ABBank tăng lãi suất huy động nhưng cũng không tăng quá nhiều mà sẽ có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi kèm theo để đảm bảo thu hút khách hàng.
Tăng vì tín dụng
Theo NHNN, tính đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Như vậy, kết quả này vẫn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21% do Chính phủ đề ra. Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho tín dụng trong quý IV phải đạt con số ấn tượng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2017.
Trên thực tế, NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách hợp lý, giúp đảm bảo thanh khoản ổn định. NHNN đã mua vào ròng một lượng đáng kể ngoại tệ trong quý III (khoảng 3 tỷ USD) nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, áp lực vốn cuối năm sẽ gia tăng áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, từ đó tác động đến mặt bằng lãi suất. Điều này được thể hiện khi lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng nhẹ đối với loại kỳ hạn qua đêm và 2 tuần, biên độ tăng ở mức 0,03%-0,12%, phần nào cho thấy thanh khoản đã bớt dư thừa.
Với người tiêu dùng, ngân hàng tăng lãi suất huy động là tín hiệu tốt để gửi tiền vào ngân hàng; nhưng với các DN, lãi suất cho vay có thể rơi vào “bế tắc” khó giảm, trong khi chủ trương của Chính phủ là hệ thống ngân hàng phấn đầu giảm lãi suất cho vay, giúp DN phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mặc dù theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong quý IV, lãi suất cho vay vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ để giảm như áp lực tỷ giá không quá lớn, lạm phát được kiểm soát, việc phát hành trái phiếu Chính phủ được đẩy mạnh, cơ chế xử lý nợ xấu đi vào vận hành… Nhưng theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lượng cầu tiền mặt vào cuối năm có thể tạo ra rào cản đối với việc thực hiện yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% từ nay đến cuối năm của Chính phủ đưa ra vào đầu tháng 10. Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị NHNN cần thận trọng theo dõi sát diễn biến thị trường để hỗ trợ thanh khoản kịp thời.
Có thể thấy, “bài toán” lãi suất vào những dịp cuối năm luôn làm đau đầu các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh hệ thống tổ chức tín dụng phải góp phần đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng. Do đó, sự điều phối hợp lý từ cơ quan quản lý và chiến lược tăng trưởng, hút vốn, đầu tư vốn đúng đắn của các ngân hàng thương mại là điều cần thiết, tránh những ảnh hưởng bất lợi lên thị trường tài chính – tiền tệ.
Nguồn Báo Hải Quan