Lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng mạnh
Khác với trước đây, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng, các ngân hàng thường nâng lãi suất kỳ hạn ngắn ngày để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, thì nay xu hướng trên được các nhà băng điều chỉnh ngược lại. Theo đó, lãi tiết kiệm kỳ hạn dài ngày tăng khá mạnh, trong khi huy động ngắn ngày lãi không điều chỉnh.
Hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường đã được đẩy lên 8,3%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, áp dụng tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), tăng 0,3 - 0,4% so với tháng trước. Ngoài ra, kỳ hạn 13 tháng cũng được nâng lên 7,9%/năm, áp dụng cho khách hàng trên 39 tuổi.
Còn tại Ngân hàng Việt Á (VietA Bank), mức lãi suất cao nhất được nâng lên 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) áp mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng với 7,7%/năm, nhưng số tiền gửi của khách hàng phải có trị giá từ 500 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) huy động với mức lãi suất cao nhất 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng…
Thậm chí, ngay cả ở các nhà băng lớn như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nâng lãi suất huy động tiền gửi lên mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ).
Có thể thấy, sau thời gian có xu hướng trầm lắng, thậm chí một số ngân hàng lớn còn giảm lãi suất huy động ngắn hạn, thì nay tuy không rầm rộ tăng lãi suất tiết kiệm, song cuộc đua thu hút tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn dài tiếp tục “nóng” giữa các nhà băng. Như vậy, lãi suất huy động sẽ rất khó giảm trong những tháng còn lại của năm 2016, khi nhu cầu vốn tăng và ngân hàng sắp phải thực hiện quy định điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Cụ thể, từ đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%.
Thực tế thời gian qua, nhiều nhà băng đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, khiến phải tăng lãi suất huy động VND để thu hút thêm vốn, kéo giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn. Trong đó, nhiều ngân hàng cho vay dài hạn chiếm gần 80% vốn ngắn hạn, chủ yếu là cho vay bất động sản, nên phải tăng cường huy động vốn để kéo giảm tỷ lệ này. Thậm chí, có ngân hàng lo đến năm 2017 không kéo giảm được tỷ lệ sử dụng vốn theo quy định, nên đã hạn chế cho vay bất động sản nhằm kìm hãm việc dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Vì thế, chi phí huy động vốn đầu vào khó giảm và lãi suất cho vay không thể đi xuống như kỳ vọng của thị trường.
Công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8/2016, NHNN cho biết, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài. Như vậy, so với nhiều tháng trước đó, lãi suất cho vay vẫn ổn định. Nhưng liệu từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có ổn định hay không là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là khi bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, cơ quan điều hành cố gắng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN đã dự báo, nếu lạm phát tăng trở lại thì việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Nhìn chung, thời gian qua, lãi suất có thời điểm tăng, có thời điểm giảm và theo số liệu tổng hợp của NHNN, mặt bằng lãi suất về cơ bản vẫn ổn định.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, lãi suất VND năm nay khá ổn định. Lý do một phần là nhờ tỷ giá được kiểm soát. Mặt khác, NHNN đã đưa ra các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất huy động, như bơm tiền, hút tiền, đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý.
Theo nhận định từ các chuyên gia tài chính - tiền tệ, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, do ngân hàng tăng cường huy động vốn để cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời đáp ứng lộ trình của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Đó cũng là lý do giải thích tại sao các ngân hàng đẩy mạnh huy động, nhất là kỳ hạn dài ngày.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, áp lực lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong quý còn lại của năm chưa hết khi ngoài yếu tố nói trên còn có áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất cơ bản USD trong tháng 12 tới. Vì vậy, theo ông Minh, gửi tiết kiệm lúc này vẫn được nhiều người lựa chọn, nhất là kỳ hạn dài ngày, do lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài được áp mức lãi suất cao hơn.
Nguồn Báo Đầu tư