Lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 1 tháng được khống chế ở mức 1%/năm. Ảnh: Quý Hòa
Lãi suất huy động đến hẹn lại tăng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND ở các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng từ 5,3%-6,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức phổ biến 6,5%-7,3%/năm.
Tuy nhiên, ở nhiều ngân hàng thương mại, mức lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên đã cán mốc 8,5%/năm, thậm chí xấp xỉ 9%/năm. Cùng với việc điều chỉnh lãi suất trên biểu lãi suất huy động thông thường, một số ngân hàng áp dụng chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất với mức khá cao.
Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động thông thường kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm nhưng nếu tham gia sản phẩm Tiết kiệm Đắc Lộc Tài cùng kỳ hạn sẽ được lãi suất tới 8,1%/năm. Hoặc khách hàng gửi tiền thông thường kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm nhưng nếu gửi theo sản phẩm tiết kiệm Đắc Lộc Phát kỳ hạn 13 tháng lãi suất tới 8,35%/năm.
|
||
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital), khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên lãi suất là 8%/năm. Còn mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng ở kỳ hạn từ 24 tháng 8,6%/năm.
Hiện mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường được ghi nhận tới thời điểm này xấp xỉ 9%/năm. Theo đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đang áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất từ 0,5%-2%/năm khi khách hàng tham gia gói tiết kiệm M-Savings. Mức lãi suất tối đa người gửi có thể nhận được ở sản phẩm này là 8,9%/năm.
Một ngân hàng như VPBank cũng đã tăng lãi suất lên. Tùy theo mức tiền gửi, ngân hàng này áp 8,3%, 8,4%, 8,5% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13 - 24 và 36 tháng.
Trước đó, trong quý 3 vừa qua thị trường đã có những mức lãi suất huy động cao từ 8,4 - 8,5%/năm, nhưng ở nhóm thành viên có quy mô nhỏ, đang hoặc vừa thực hiện tái cơ cấu. Sự gia nhập của VPBank đánh dấu thêm thành viên ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn tăng lãi suất lên các mức rất cạnh tranh như trên.
Không chỉ vốn dài hạn (trên 1 năm) mà vốn ngắn hạn (dưới một năm cũng có xu hướng tăng lên). Thậm chí, VPBank đã yết lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 1 tháng cho tới 5 tháng ở mức tối đa là 5,5% (mức trần theo quy định của Nhà nước) cho một sản phẩm huy động.
Trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) lãi suất của kì hạn qua đêm cho tới 6 tháng cũng không chênh lệch là mấy, từ 4,9%-5,4%, do nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng vẫn tiếp tục cao.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân có lẽ đến từ việc nhu cầu tiền đồng để các ngân hàng cân nguồn vào dịp cuối năm. Đồng thời cũng là để đáp ứng yêu cầu của nhà nước về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%.
Hiện tại, theo quy định của NHNN, lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 1 tháng được khống chế ở mức 1%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng-5 tháng được khống chế tối đa ở mức 5,5%, (từ 6 tháng trở lên thì không áp trần) nhằm tránh tình trạng lãi suất ở các kì hạn ngắn tăng cao hơn nhiều các ki hạn dài, làm méo mó đường cong lãi suất.