Thứ Sáu | 05/12/2014 10:52

Lãi suất giảm nhanh hơn kỳ vọng

Sau Vietcombank đến lượt VietinBank giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 đến 36 tháng đối với khách hàng cá nhân.

Theo đó, lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 36 tháng cao nhất đối với khách hàng cá nhân của VietinBank chỉ ở mức 6,0%/năm, giảm 0,2%/năm. Như vậy, VietinBank là NH áp dụng mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, việc giảm lãi suất lần này nhằm giúp cho DN, nền kinh tế vay mượn tốt hơn, giảm chi phí tài chính ở mức hợp lý hơn.

Ông có thể nói cụ thể hơn lý do VietinBank giảm mạnh lãi suất huy động trung, dài hạn?

Qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô cho thấy, các chỉ số kinh tế của năm nay ổn định, trong khi định hướng của Chính phủ sang năm lạm phát tăng không quá 5%, nên VietinBank đã điều chỉnh lãi suất huy động trên 12 tháng về 6%/năm. Tôi cho rằng, đây là mức lãi suất phù hợp với thời điểm này. Tuy nhiên, NH tiếp tục theo dõi diễn biến để cân đối lãi suất cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn vốn.

Việc giảm lãi suất đầu vào trung, dài hạn sẽ tạo điều kiện tốt hơn để các NH tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay kỳ hạn này. Thực tế các DN rất mong chờ NH giảm lãi suất kỳ hạn dài hơn để giúp họ có nhiều thời gian khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, mặt bằng lãi suất này có thể thấp hơn khi quy định mới tại Thông tư 36 của NHNN, các NH được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chính thức đi vào cuộc sống. Đây là cơ sở quan trọng để các NH tiếp tục giảm lãi suất cho vay kỳ hạn dài. Như vậy, có thể thấy sang năm thị trường sẽ có mặt bằng lãi suất trung, dài hạn tốt hơn nữa.

Theo ông, dư địa giảm lãi suất cho vay còn bao nhiêu nữa?

Rất khó để đưa ra con số cụ thể, bởi nó còn tùy thuộc tình hình cân đối chung, diễn biến huy động vốn, cho vay cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhưng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn thì huy động vốn ở mức lãi suất phù hợp và chắc chắn sẽ phải bám theo chỉ số lạm phát.

Trên cơ sở đó, lãi suất cho vay cũng sẽ ở mặt bằng hợp lý hơn. Còn lãi suất giảm bao nhiêu cũng còn tùy thuộc vào sức cầu thực tế từng NH. Nhìn chung, những NH lớn lãi suất luôn ở mức thích hợp cho các DN vay vốn. Có thể khẳng định, nếu nhu cầu vốn đó là chính đáng, DN hoàn toàn có thể vay với mức lãi suất tốt.

Vậy, lãi suất “tốt” của VietinBank là bao nhiêu, thưa ông?

Có nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng, tình hình triển khai dự án, xếp hạng tín nhiệm. Giả dụ, khách hàng tốt, dự án phương án được đánh giá khả thi, cân đối nguồn trả nợ tốt, xếp hạng tín nhiệm cao thì chắc chắn mức lãi suất rất hợp lý. Hoặc DN vay số dư lớn thì mức lãi suất phải khác với vay quy mô vừa phải...

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình chỉ ở mức 6-7%; trung, dài hạn là 7-8%/năm. Thậm chí, với khách hàng có tình hình tài chính tốt, uy tín cao lãi suất có thể chỉ 4-5%/năm.

Thời gian qua, tín dụng của VietinBank tăng trưởng khá tốt. Hết tháng 11, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 13%. Dự kiến đến hết năm 2014, con số này có thể đạt 15 – 16%.

Dường như lãi suất đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng. Ông có nghĩ vậy không?

Giảm nhanh hay chậm theo tôi đều phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và sức cầu tín dụng. Bản thân các NH đều rất muốn cho vay lãi suất thấp đối với các khách hàng tốt, có dự án hoặc phương án kinh doanh khả thi.

Thực tế, đến thời điểm này lãi suất không phải là rào cản của DN. Lãi suất đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng của thị trường và DN đang có mặt bằng lãi suất rất hợp lý để mở rộng phát triển kinh doanh. Nhưng, nếu chỉ một mình NH với công cụ lãi suất thì không thể thực hiện được. Vấn đề làm sao kích sức cầu của nền kinh tế.

Theo tôi, các chính sách kinh tế cần tiếp tục đồng bộ hơn. Cụ thể: thúc đẩy thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng, đặc biệt nợ ngân sách của nhiều công trình xây dựng cơ bản, giao thông để giải phóng hàng tồn kho, nhiều mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng được lưu thông nhanh hơn.

Và như vậy, nợ đến hạn cũng được luân chuyển tốt, kích thích cầu vốn của DN. Ngoài ra, chính sách về thuế như giãn, giảm thuế… cũng rất quan trọng, hỗ trợ DN vượt khó trong giai đoạn này; chính sách đầu tư công, chi tiêu công cân đối nhịp nhàng với chính sách tiền tệ hơn...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời Báo Ngân Hàng