Chủ Nhật | 03/08/2014 18:25

Lãi suất có thể giảm tiếp

Lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.
Lãi suất có thể giảm thêm là điểm nhấn trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng 2014 mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố.

Cơ sở chính cho nhận định trên là diễn biến và triển vọng lạm phát từ nay đến cuối năm ở mức thấp.

Ngoại trừ tháng 1 là tháng có Tết Nguyên đán, lạm phát luôn thấp hơn 5% trong 7 tháng đầu năm nay. Lạm phát cơ bản (dựa trên CPI không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) thậm chí luôn thấp hơn 4% kể từ tháng 4/2014.

Với xu hướng trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%.

“Trong điều kiện lạm phát còn dư địa, trong những tháng cuối năm việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cần được xem xét”, thêm một lần nữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra khuyến nghị này, nhưng không nêu cụ thể “xem xét” mặt hàng nào, tăng hay giảm. Còn nếu theo nhận định lạm phát còn “dư địa”, có thể hiểu là cơ quan này cho rằng cần tăng giá các mặt hàng cơ bản (?).

Lạm phát ổn định như trên đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất. Đối với hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Số liệu báo cáo trên đưa ra: tính đến tháng 7/2014, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2013; trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với tháng12/2013.

“Với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”, báo cáo dự tính.

Đối với đầu tư, theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 6 tháng/2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kỳ (cùng kỳ 2013 tăng 6,4%).

Theo Ủy ban, một trong những nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp là tín dụng tăng thấp.

Đến thời điểm này vẫn chưa thấy đầu mối nào công bố mức tăng trưởng tín dụng đến tháng 7/2014. Còn báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn lại mức tính đến 30/6 với tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,52%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%; trong đó, cho vay ngoại tệ tăng 12,3% trong khi cho vay nội tệ chỉ tăng 2,17%.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9,8% so cùng kỳ 2013.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện