Thứ Tư | 31/07/2013 11:43

Lãi suất có giảm vào cuối năm?

Dù không đưa ra thời điểm chính xác, nhưng một số ngân hàng đều khẳng định, thời điểm giảm lãi suất rơi vào cuối năm 2013.
Lạm phát đang trên đà hạ nhiệt, trần lãi suất tiền gửi hiện đã được điều chỉnh giảm về mức 7%/năm. Đồng thời, với diễn biến thuận lợi của chỉ số giá tiêu dùng trong nửa đầu năm 2013, NHNN đã từng bước gỡ trần lãi suất một cách từ từ. Theo đó, lần điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm 2012, NHNN đã cho phép tự do hóa lãi suất đối với kỳ hạn trên 1 năm.

Mới đây nhất, trong lần giảm lãi suất vào cuối tháng 6/2013, NHNN chỉ còn áp trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 1-6 tháng. Lãi suất cho vay bình quân mặc dù đã giảm dần liên tục, song vẫn chưa kích thích được nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế.

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra lúc này để lý giải cho câu hỏi tại sao lãi suất lại có khả năng giảm, như cầu tín dụng thấp, DN đã quá kiệt quệ, không còn khả năng hấp thụ vốn, niềm tin vào thị trường suy giảm, nợ xấu đang là điểm nghẽn...

Lãnh đạo một số ngân hàng tại TPHCM thừa nhận, những nguyên nhân trên là đúng nhưng chưa đủ. Vấn đề đối với các DN lúc này không còn ở lãi suất, (nguyên nhân này chỉ xếp ở hạng thứ 4, thứ 5), mà vấn đề nằm ở đầu ra cho thị trường, sức hấp thụ của nền kinh tế, niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng… mới là những nguyên nhân chính lúc này.

Thực tế cho thấy, với những DN tốt, làm ăn có lãi, được ngân hàng mời chào vay vốn nhưng họ cũng không mấy mặn mà, bởi khi mà hàng tồn kho vẫn còn chất đầy, sản xuất ra không biết để làm gì. Còn đối với những DN quá yếu kém, không đủ điều kiện vay, nếu ngân hàng cho vay, cũng khó có thể vực dậy được.

Nhận định về hiện tượng này, một lãnh đạo của Eximbank cho rằng, lãi suất trên các khoản vay đề nghị giảm thêm nữa có thể khả thi vì triển vọng lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, về mặt thời điểm thì một đợt giảm lãi suất và đồng đều chỉ có thể diễn ra vào quý cuối của năm 2013.

Tương tự, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank nói rằng, hiện nay việc mở rộng tín dụng vô cùng khó khăn. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở một vài ngân hàng mà diễn ra trên toàn hệ thống. Từ khó khăn đó, sắp tới, chắc hẳn các ngân hàng sẽ tiếp tục nhìn nhau để giảm thêm lãi suất, đáp ứng nhu cầu của DN.

Về nhận định trên, bà Trần Thị Hà My, chuyên viên Phân tích CTCK Rồng Việt đưa ra một số luận điểm. Thứ nhất, sự lệch pha giữa tốc độ giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Hiện lãi suất huy động đã giảm, tuy mức giảm mới chủ yếu là ở các kỳ hạn 1-3 tháng trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động của các NHTM vẫn đang xoay quanh mức từ 7-9%/năm, nên việc giảm lãi suất cho vay dù luôn có một độ trễ nhất định so với giảm lãi suất huy động, song xu hướng xích lại gần của hai chiều huy động và cho vay sẽ là tất yếu.

Thứ hai, hiện tại, các ngân hàng đang tích cực tung ra khá nhiều gói hỗ trợ lãi suất, dù mức lãi suất thấp chỉ được duy trì trong các tháng đầu, sau đó, người đi vay phải chấp nhận rủi ro lãi suất cao hơn. Song trước tình trạng huy động nhiều và cho vay thấp, các gói hỗ trợ lãi suất trên mặc dù mới chỉ là biện pháp tức thời của các NHTM, nhưng nó cũng cho thấy xu hướng giảm là rõ nét.

Cuối cùng, nhìn sang triển vọng kinh doanh của các DN, có thể thấy rằng, về cuối năm, nhu cầu vay vốn sẽ gia tăng và tiến trình giải quyết nợ xấu sau khi Công ty VAMC đi vào hoạt động, có thể kỳ vọng về một mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức 9-11%/năm là hiện thực.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện