Thứ Năm | 06/03/2014 08:22

Lãi suất cho vay thấp hơn huy động: "Nhà có điều kiện"?

Nhiều NH đã phải cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.
Gần đây, thông tin lãi suất giảm, tín dụng được nới lỏng giúp doanh nghiệp có nhiều cơ sở để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Lý do xuất hiện những thông tin trên một phần vì Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra những đề xuất như vậy trong một hội nghị sơ kết mới đây.

Hai là tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng âm, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất huy động, dù chỉ mới diễn ra trong khung huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, với mức giảm cũng chỉ rất hẹp, từ 0,1 - 0,3%/năm.

Mặt khác, do khó kiếm đầu ra nên tín dụng đã phải chạy vào trái phiếu chính phủ, biểu hiện ở khối lượng đấu thầu thành công lớn so với khối lượng gọi thầu, nhưng với lãi suất (giá trái phiếu) giảm dần và hiện đã ở mức 6,15 - 7,67%/năm cho kỳ hạn 2 - 5 năm.

Ngoài ra, thị trường liên ngân hàng lãi suất qua đêm ở mức 5%/năm thời điểm trước Tết, hiện giảm chỉ còn 1,3 - 1,5% nhưng giao dịch vẫn khá thưa vắng. Cuối cùng, tình trạng "tồn kho" vốn tín dụng khiến giới quan sát vừa mừng vừa lo khi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng khá, thu hút khoảng 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng mỗi phiên...

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu nên nhiều doanh nghiệp vẫn chờ đợi và nghe ngóng thêm. Bởi trong tình hình khó khăn hiện nay, rất khó có sự nới lỏng tín dụng và các NH vẫn phải chấp hành nghiêm chủ trương tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn vốn vay.

Lạm phát vừa được kiềm chế xuống mức 6,03%/năm 2013 (lạm phát năm 2011 là 18,13%, năm 2012 là 6,81%), kinh tế đang chuyển từ bị động đối phó lạm phát sang chủ động kiềm chế theo lạm phát mục tiêu 7%.

Một đặc điểm lớn của suy thoái kinh tế Việt Nam hiện tại là suy thoái của chu kỳ tăng trưởng. Do đó, cơ sở của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) là tái cấu trúc lại nền kinh tế, "từ tăng trưởng theo chiều rộng số lượng, sang tăng tưởng theo chiều sâu chất lượng", trong đó quan trọng nhất là tái cấu trúc NHTM.

Theo các nhà phân tích, một khi kinh tế gặp suy thoái chu kỳ, theo quy luật tăng trưởng hình sin, thì sự phục hồi cũng theo hình sin, nên không thể nóng vội.

NHNN có thể tính đến phương án bỏ trần lãi suấtTheo Vụ Chính sách Tiền tệ, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức hợp lý, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn từ 1 đến 2 tháng giảm 0,2 đến 0,5%/năm. Đồng thời NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay cũ về mức dưới 13%/năm. Nếu tình hình lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, nền kinh tế ổn định và điều kiện cho phép thì NHNN sẽ tính đến phương án bỏ trần lãi suất huy động.
Chẳng hạn, nếu thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng vì bong bóng giá, thì cũng chỉ có thị trường mới có thể làm tan băng, một khi giá nhà đất được đưa về giá trị thực. Liên quan đến BĐS là tín dụng NH với tư duy lấy thế chấp làm căn cứ cho nguyên tắc an toàn giải ngân.

Nhiều NH chỉ bám vào thế chấp BĐS suốt một thời gian dài vừa qua đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ xấu trong toàn hệ thống NH. Mặc dù trên 80% khoản nợ có tài sản là BĐS bảo đảm nhưng nợ vẫn cứ ngày một xấu vì BĐS đóng băng. Nợ xấu tăng cao chẳng những thu hẹp vùng an toàn tín dụng thế chấp, mà còn làm mất rất nhiều khách hàng của các NHTM.

Song, một khi thừa vốn mà lại khó cho vay ra thì lẽ tất yếu là phải giảm lãi suất để tránh lỗ, vì NH không thể không nhận tiền gửi. Mặt khác, cũng cần giảm lãi suất cho vay đồng thời với giảm lãi suất tiền gửi.

Thực tế lãi suất cho vay vẫn cao, có loại quá cao, nếu so với mặt bằng lợi nhuận của nền kinh tế. Giảm lãi suất tín dụng, từ 1% đến 2% và hơn nữa đang là khuyến dụ của nhà điều hành ngành NH hiện nay.

"Mặt bằng lãi suất cho vay VND và USD đều ổn định và hợp lý, nhiều NH đã cho vay VND ở mức dưới 6%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động", bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ trả lời báo chí như vậy.

Thực tế hồi phục của nền kinh tế cho thấy tín dụng vẫn rất cần thận trọng điều chỉnh tăng trưởng cho phù hợp. Có không ít NH tìm được đầu ra bằng "cơ cấu lại" kinh doanh tín dụng. Thí dụ HDBank đầu tư kho trữ cà phê ở Tây Nguyên, để thực hiện nghiệp vụ an toàn tín dụng thế chấp hàng hóa... khá hiệu quả.

Hay xử lý nhanh nợ xấu tồn kho, bằng giải pháp trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chấp nhận trích dự phòng rủi ro 20%/năm/5 năm cũng là một cách tốt để tìm lại khách hàng cũ, trong khi chưa kiếm được khách hàng mới. Sau 5 tháng, VAMC đã mua lại 39.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được khoảng 200 tỷ đồng.

Sau khi bán lại nợ xấu, một số tổ chức tín dụng đã có đơn gửi về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC. Cơ quan này đang tiến hành xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể, các khoản nợ liên quan để quyết định thời điểm cũng như hạn mức cho vay tái cấp vốn (giới hạn tối đa là 70% theo quy định hiện hành).

Nguồn www.doanhnhansaigon.vn


Sự kiện