Ảnh: laodong.vn
Lãi suất cho vay nửa cuối năm 2019: Duy trì ổn định
Theo khảo sát tại 1 số ngân hàng, lãi suất huy động dao động ở mức 7- 7,9% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn từ 1- 6 tháng dao động từ 5 – 6,8%/ năm. Với kỳ hạn 1 và 3 tháng, mức lãi suất phổ biến dao động 4,5-5,5%/năm.
Đặc biệt ở 1 số ngân hàng lãi suất tiết kiệm online đang neo ở mức cao lên đến trên 8%/năm. Cụ thể NamAbank kỳ hạn 6 tháng ở mức 8%/năm, kỳ hạn 36 tháng cao nhất lên đến 8,7%/năm. Tại Sacombank, kỳ hạn 10 tháng với mức lãi suất 8%/năm và cao nhất là 36 tháng với mức 8,3%/năm. Tại Eximbank, lãi suất 8,3 %/năm cho kỳ hạn 15 tháng trở lên, và cao nhất 8,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên.
Xét tổng thể, mức 8,6%/năm là lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay, thuộc về Ngân hàng Bản Việt. Mức lãi suất này áp dụng với các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 24 - 60 tháng, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi.
Tuy nhiên, hầu hết mức lãi suất huy động cao vẫn nằm ở khối ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh là chủ yếu. Còn ở khối ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động vẫn ở mức dưới 7%. Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank, Agribank, đạt 6,8%/năm, trong khi đó BIDV, Vietinbank ở mức 6,9%/năm.
Theo nhận định từ VNDIRECT, lãi suất huy động đang chịu nhiều áp lực do cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiền ngày càng gay gắt hơn, những rủi ro đối với thị trường tài chính do xung đột Thương mại Mỹ-Trung leo thang. Đặc biệt nhằm đảm bảo đáp ứng theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, áp lực gia tăng lãi suất huy động càng tăng ở những kỳ hạn dài.
Lãi suất huy động ở một số ngân hàng vẫn đang ở mức cao. Ảnh: Ndh.vn |
Tại 1 số ngân hàng, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được dùng làm cơ sở để tính lãi suất cho vay. Với mức lãi đầu vào duy trì ở 7% - 7,9% cộng với biên độ chênh lệch từ 2,5%-3% thì lãi suất cho vay ra sẽ xoay quanh mức 9,5% - 11% cho kỳ hạn trung và dài hạn, với kỳ hạn ngắn thì lãi suất xoay quanh ở mức 7% - 8%/ năm. Đây được xem là mức lãi suất được duy trì ổn định trong 3 năm trở lại đây.
►Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào lãi suất huy động mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đi kèm như lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán, thanh khoản hệ thống ngân hàng và cả yếu tố bên ngoài như biến động thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế…Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn dưới 4% cho thấy thanh khoản còn dồi dào, ổn định. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới ổn định, Xu hướng của các nước về chính sách tiền tệ là đang nới lỏng, thậm chí như ECB còn có ý định giảm lãi suất xuống dưới 0%, FED cũng sẽ giảm thêm 0,25%...thì áp lực lãi suất cho vay không nhiều, lãi suất vẫn giữ ở mức ổn định là chủ yếu.
Hơn nữa, theo chỉ đạo cũng như định hướng của Ngân hàng nhà nước là sẽ giữ ổn định lãi suất cho vay, thậm chí kêu gọi các Ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Do đó, về cơ bản lãi suất cho vay được dự báo duy trì ở mức tương đối ổn định, cũng có thời điểm "nhấp nhô sóng" nhưng không đáng kể.