Lãi suất cho vay khó giảm thêm
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, không còn “room” để hạ thêm lãi suất, do dự báo lạm phát từ nay đến cuối năm có chiều hướng tăng.
Việt Nam đã từng có lịch sử lạm phát cao trong tháng 8. Hai mức lạm phát đỉnh điểm trong thập niên qua đều xuất hiện trong tháng 8 là 23,8% năm 2008 và 23% năm 2011. Vì vậy, khi giá cả tăng từ mức 7,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,5% trong tháng 8, những lo ngại về lạm phát cao lại xuất hiện.
Báo cáo mới nhất cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC nhận định, sau tháng 9, áp lực lạm phát sẽ xuất phát từ việc chi phí vận chuyển tăng cao hơn và có thể giá cả một số mặt hàng khác sẽ tăng. Đây là kết quả của tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhanh hơn và nguồn cung thiếu ổn định của dầu mỏ toàn cầu do căng thẳng chính trị khu vực vẫn còn đang kìm nén. Giá dầu Brent trong vài tuần nữa khả năng sẽ tăng do nguồn cung dầu mỏ toàn cầu không ổn định.
“Phải thừa nhận rằng, những mối lo ngại này là không phải không có căn cứ”, TS. Hiếu nói.
Theo “quy luật”, muốn kéo lãi suất xuống, NHNN sẽ tăng cung tiền, nhưng từ giữa tháng 7, cơ quan này liên tục phát hành tín phiếu hút tiền về. Thống kê trong bản tin mới nhất của Nhóm nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho thấy, trong tuần đầu tiên của tháng 9, kênh tín phiếu NHNN được bơm ra 4.000 tỷ đồng, nhưng hút về 7.101 tỷ đồng.
Số liệu từ CTCK Sài Gòn, trên thị trường mở (OMO) ngày 12/9, NHNN bơm ra 98 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ mua có kỳ hạn, nhưng cũng có 744 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN đã hút về 646 tỷ đồng. Cùng ngày, NHNN phát hành thành công 1.086 tỷ đồng tín phiếu, bao gồm 989 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày lãi suất 4,5%/năm; 97 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 182 ngày lãi suất 5,5%/năm. Đặc biệt, trong ngày không có tín phiếu đáo hạn. Có nghĩa là NHNN đã hút thêm về 1.086 tỷ đồng.
“Các nhà làm chính sách Việt Nam vẫn còn khá thận trọng khi áp lực lạm phát đang tăng. Chúng tôi không kỳ vọng lãi suất thị trường mở có thể giảm thêm, nếu có thay đổi, chúng tôi nghĩ mức lãi suất này sẽ tăng”, bà Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế HSBC nói.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong kiểm soát, điều hành giá cả…, đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra (ở mức khoảng 7%); kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát.
“Nếu kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra khoảng 7% trong năm 2013 thì trần lãi suất huy động không còn dư địa để hạ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nói và cho rằng, để hạ được lãi suất huy động, ngoài căn cứ trên lạm phát, còn phải tính đến nhân tố tỷ giá. Với tình hình như hiện nay, lãi suất huy động hạ sâu tiếp sẽ tạo khả năng dịch chuyển dòng tiền sang nắm giữ USD, gây sức ép lên tỷ giá.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán