Thứ Hai | 20/08/2012 08:18

Lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn?

Nếu lãi suất cho vay tiếp tục hạ tức phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa, khi đó áp lực lên lạm phát, tỷ giá những tháng cuối năm sẽ tăng cao.
Tính đến 2/8, lãi suất của 71% tổng dư nợ đã hạ về 10% đến dưới 15%/năm và chỉ 29% còn lại trên 15%/năm nhưng tín dụng vẫn tăng thấp, doanh nghiệp vẫn đòi hỏi phải hạ lãi suất hơn nữa.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xử lý như thế nào khi đặt lãi suất trong mối liên hệ với lạm phát, tỷ giá cũng như thanh khoản hệ thống?

Qua trao đổi, một số đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, số dư nợ lãi suất trên 15%/năm chỉ tương đương khoảng 29% tổng dư nợ và đều là nợ cũ. “Nợ cũ” ở đây, tức là những khoản tín dụng chịu ảnh hưởng bởi những hợp đồng tiền gửi có lãi suất từ 14%/năm trở lên, trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra văn bản hiệu triệu các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi ngắn hạn ở mức 9%/năm.

Về bản chất, chúng là những hợp đồng kinh tế đã được tổ chức tín dụng ký với doanh nghiệp, trong đó ghi rõ tổng giá trị hợp đồng, mức lãi suất bao nhiêu, thời gian nào đàm phán lại lãi suất...

Vì thế, về mặt tuân thủ luật pháp, Ngân hàng Nhà nước không thể ra văn bản ép buộc tổ chức tín dụng phải hạ lãi suất đối với những hợp đồng này, còn nếu cố tình thì chính Ngân hàng Nhà nước đã vi phạm luật pháp.

Thứ hai, ngoại trừ tỷ trọng tín dụng có mức lãi suất trên 15%/năm như nói trên thì nếu so với mức 25%/năm của 2010, 17% - 19%/năm từ quý IV/2011 và phổ biến là 10% đến dưới 15% như hiện nay, liệu Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành lãi suất giảm sâu hơn với mức này theo đòi hỏi của doanh nghiệp hiện nay?

Chuyên gia tài chính độc lập Vũ Đình Ánh phân tích, nếu muốn giảm lãi suất trong lúc này thì phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa và như thế, khoảng nửa năm tới tính từ thời điểm này, nền kinh tế sẽ đón nhận hệ quả lạm phát như từng xảy ra từ đầu năm 2011, dẫn đến những nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị VND từ đầu 2011 đến nay sẽ vô nghĩa.

Thứ ba, để lãi tiền vay giảm thì lãi tiền gửi phải giảm xuống dưới 9% so với mức hiện nay. Trong trường hợp đó, theo tính toán của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia thì một trong những lý do để ngân hàng bảo toàn được nguồn tiền gửi là do chênh lệch lãi suất VND/USD. Nhưng hiện nay, dư địa của chúng chỉ còn khoảng 2% và nếu hạ lãi suất tiền gửi thì người dân và tổ chức sẽ dịch chuyển sang USD và gây áp lực lên tỷ giá.

Thứ tư, có một sự trùng hợp có vẻ như nằm trong tính toán của các doanh nghiệp “con cưng” của Chính phủ là khi thấy CPI có biểu hiện xuống thấp, lập tức giá xăng dầu tăng và từ 1/7, giá điện tăng thêm 5%, bất chấp đó là sự hy sinh của giảm tổng cầu, nỗ lực của chính sách tiền tệ trong việc níu giữ lạm phát. Thêm một lần nữa, chính sách về giá và tiền tệ lại như trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Nguồn Vneconomy


Sự kiện