Lãi suất cho vay chưa giảm
Với các ngân hàng thương mại quốc doanh và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất huy động đã được đưa về mức 8% theo đúng quy định, nhưng với các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, huy động vượt trần vẫn diễn ra bình thường.
Tại Hà Nội, khách hàng có thể gửi tiền vào một số ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất 11,5% cho kỳ hạn 3 tháng và 12% cho kỳ hạn 12 tháng. Tất nhiên trong số gửi tiền vẫn chỉ ghi đúng 8%, còn phần vượt được ghi riêng và trả vào cuối kỳ.
Thậm chí, có ngân hàng còn có chiêu "lách luật" khi phát hành thẻ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng để có thể tự do ghi lãi suất cao nhưng trong thỏa thuận với khách hàng thì được tính lãi theo kỳ hạn hàng tháng. Thỏa thuận này được ghi trên phiếu thể tiết kiệm rõ ràng vừa giúp ngân hàng tranh phạm luật, dễ dàng hoạch toán chi phí mà vẫn đảm bảo được sự hấp dẫn với khách hàng.
Trong khi đó, lãi suất cho vay thì thấy gần như không hạ, kể cả những ngân hàng đang huy động đúng 8%.
Ngoài 4 đối tượng ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đưa lãi suất về mức 12%, còn các doanh nghiệp ngoài 4 đối tượng này thì vẫn phải chịu mức vay cao.
Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện có lãi suất cho vay doanh nghiệp phổ biến ở mức 16%/năm, thấp hơn là các ngân hàng thương mại quốc doanh, mức từ 13%-15%/ năm.
Theo các doanh nghiệp với mức lãi suất huy động 8% thì họ hy vọng các ngân hàng sẽ cho vay ra ở mức 11-12% nhưng điều này chưa xảy ra.
Lãi vay còn cao khiến doanh nghiệp vẫn không dám vay vốn, bởi như vậy không đem lại hiệu quả. Các doanh nghiệp cho rằng lãi vay phải từ 10% trở xuống thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả. Tuy nhiên để được vay mức 11%-12% với họ hiện nay cũng là điều không thể.
Giám đốc một doanh nghiệp chế tạo cơ khí nhỏ cho biết, đã tiếp cận nhiều ngân hàng, khi chào mời thì lãi suất khá hấp dẫn nhưng đến khi vào vay thì các điều kiện soi xét rất kỹ, lãi suất theo đó cũng được nâng lên. Việc tiếp cận vốn vẫn khó, mức lãi suất 12% như công bố của một số ngân hàng vẫn là điều mơ ước.
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay còn quá xa, người gửi tiền đã chấp nhận chịu thiệt vì trần huy động giảm nhưng lãi vay thì vẫn cao.
Ông Kiêm cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này à một số ngân hàng lách trần huy động lãi suất tiền gửi khiến cho chi phí tăng. Các ngân hàng yếu không có tài sản thế chấp, không đủ hệ số tín nhiệm để được vay trên thị trường liên ngân hàng nên chỉ còn cách trông vào thị trường tiền gửi dân cư để huy động vốn. Nếu không làm lành mạnh thị trường, xử lý ngay các ngân hàng lách trần, đây sẽ là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay còn cao, không hạ như ý muốn.
Ngoài ra, một chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện nay có những ngân hàng mạnh có hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước, nhiều địa phương chỉ những ngân hàng này mới có chi nhánh, vậy nên dù lãi suất huy động có giảm dưới 8% thì khách hàng vẫn gửi tiền.
Tuy nhiên, những ngân hàng này chẳng hề giảm lãi suất cho vay. Những dự án tốt mới được cho vay 13% còn lại đều 15%, nên lãi suất huy động càng giảm họ càng có lợi.
Lãi suất cho vay của Việt Nam không thể giảm mạnh như kỳ vọng, theo tiến sĩ Trần Du Lịch vì có tới 97% nguồn tín dụng trong nước là do ngân hàng cung cấp, trong khi ở các nước khác, nguồn vốn thường do nhiều định chế tài chính cung cấp. Mà lãi suất lại là kết quả của cung cầu vốn trên thị trường, không thể do Nhà nước quyết định, nên không thể dùng biện pháp hành chính ép các ngân hàng cho vay ở mức lãi suất quá thấp.
Nguồn VEF