Thứ Hai | 21/05/2012 06:58

Lãi suất cao, tín dụng Top 5 ngân hàng niêm yết giảm mạnh

Trong 9 ngân hàng niêm yết, 4 ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2012, 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng từ đầu năm đến 26/3 tăng trưởng âm 1,96% so với cuối năm 2011. Với việc dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng cuối năm 2011 khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, thì cho vay của toàn hệ thống trong 3 tháng đầu năm đã giảm khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Cùng kỳ năm 2011, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 3,67%, tức đã có gần 85 nghìn tỷ đồng vốn được cho vay ra nền kinh tế.

Xem lại từng báo cáo tài chính của các ngân hàng, có thể thấy tình trạng cho vay ra bên ngoài của nhiều tổ chức đang gặp khó khăn, mặc dù từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói cho vay với lãi suất và điều kiện ưu đãi, trị giá hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 9 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có 4 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2012, 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp đều rơi vào 5 ngân hàng đang niêm yết có thị phần cho vay lớn nhất tính đến cuối năm 2011. Cụ thể, theo tính toán, tổng thị phần cho vay của 9 ngân hàng niêm yết tính đến cuối năm 2011 là  34,1%, trong đó thị phần của top 5 ngân hàng là 29,5%.

Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng (*): Ngân hàng mẹ Các ngân hàng được xếp theo thứ tự thị phần cho vay cuối 2011Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng

(*): Ngân hàng mẹ. Các ngân hàng được xếp theo thứ tự thị phần cho vay cuối 2011

Cụ thể, VietinBank và ngân hàng mẹ Vietcombank quý I tăng trưởng tín dụng âm lần lượt 2,6% và 0,57%, trong khi cùng kỳ năm trước tín dụng tăng tới 7,4% và 11,9% - đây là 2 ngân hàng có thị phần dư nợ cho vay lớn nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết.

Trong khi đó, Eximbank là ngân hàng có tốc độ cho vay suy giảm lớn nhất khi quý I/2012 tăng trưởng âm tới 6,9%. ACB và Sacombank mặc dù tín dụng có tăng nhưng chỉ ở mức rất thấp (1,8% và 0,4%).

Việc nhiều ngân hàng gặp khó khăn khi cho vay diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bày tỏ lãi suất cho vay quá cao, điều kiện khắt khe nên không dám vay.


Mức lãi suất này tuy đã giảm so với 2 tháng đầu năm, nhưng vẫn là cao so với nhiều doanh nghiệp. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của công ty cổ phần ông thép Việt Đức, ông Lê Minh Hải, Phó tổng giám đốc cho biết, để kinh doanh sinh lời và có khả năng trả nợ, doanh nghiệp chỉ chịu được lãi suất từ 12 - 13%/năm.

Do vậy, kể cả khi lãi suất cho vay đã giảm xuống 15%/năm trong tháng 5, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này vẫn chưa thể cải thiện tình hình cho vay.

Bảng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng quý I/2012 so với quý I/2011
Bảng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng quý I/2012 so với quý I/2011

Hệ quả của việc dòng vốn tín dụng suy giảm là nền kinh tế bị đình trệ trong những tháng đầu năm. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp nhất 3 năm; chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2010 và 2011 tương ứng là 10,6% và 13,4%.

Tỷ lệ nợ xấu của 9/9 ngân hàng niêm yết cuối tháng 3/2012 đều tăng so với cuối năm 2011
Tỷ lệ nợ xấu của 9/9 ngân hàng niêm yết cuối tháng 3/2012 đều tăng so với cuối năm 2011.

Tình hình doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, không có nguồn trả nợ ngân hàng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của 9/9 ngân hàng niêm yết cuối tháng 3/2012 đều tăng so với cuối năm 2011, đặc biệt, Habubank có tỷ lệ nợ xấu lên tới 9,7%. Trước tình hình này, sắp tới Habubank sẽ phải sáp nhập SHB, nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng được an toàn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,66%, con số này tiếp tục đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 - 17% và tăng trưởng GDP khoảng 6% trong năm 2012, cũng như sự sống còn của các doanh nghiệp, khi đã trải qua quý đầu tiên đầy thử thách.

Còn nhớ, năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ dưới 11%, thấp nhất trong 15 năm, kéo theo tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,89% và gây tác động khiến nhiều doanh nghiệp trong quý I/2012 đã không trụ nổi và phải tuyên bố phá sản.

Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong những tháng tới khi ngân hàng Nhà nước có thể sẽ mở rộng diện áp trần lãi suất cho vay, dẫn tới sẽ có thêm đối tượng được hưởng lãi suất thấp hơn; đồng thời, Chính phủ cũng đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải đẩy nhanh quá trình giảm lãi suất.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong cuộc đối thoại trực tiếp cuối tuần qua cho hay, lãi suất huy động đến cuối năm 2012 có thể giảm về 9 - 10%/năm.

Nguồn DVT


Sự kiện