Lái dòng vốn cho startup Việt
Chính phủ Thái Lan và Indonesia vừa cho thấy các động thái sẽ mở cửa thị trường tài chính để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ (startup). Trong khi đó, Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán hỗ trợ.
Mới đây, Ủy ban Khởi nghiệp Quốc gia Thái Lan và Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) công bố kế hoạch lập ra một sàn chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ. Hiện Thái Lan có 2 sàn giao dịch là SET cho các doanh nghiệp lớn và MAI cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cả 2 đều có các quy định về mức vốn tối thiểu và lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp nên đất dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp gần như không có.
Trong khi đó, theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng Siam, các công ty khởi nghiệp của Thái Lan hiện vẫn trong giai đoạn “thăm dò” và quy mô còn khá nhỏ. Năm ngoái, chỉ vỏn vẹn 32 triệu USD được đầu tư vào nhóm này và phần lớn là chảy vào các công ty thương mại điện tử. Do đó, Chính phủ Thái Lan đã đề ra mục tiêu có ít nhất 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp từ nay đến năm 2018 với nhiều chính sách hỗ trợ thuế hay thành lập một quỹ phát triển nền kinh tế số trị giá 10 tỉ baht.
Trước đó, vào tháng 3, Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia cũng công bố hỗ trợ startup bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng thông qua Sàn Giao dịch Công nghệ. Quỹ Golden Gate Ventures (Singapore) nhận định trong số 14 doanh nghiệp công nghệ đình đám của khu vực Đông Nam Á từ năm 2001 đến nay, không có doanh nghiệp nào đến từ Indonesia nhưng có đến 26 doanh nghiệp của nước này bị sáp nhập hoặc mua lại từ năm 2005 đến nay. Trong khi đó, với vị thế quốc gia đông dân đứng thứ 4 thế giới, Indonesia lại đang sở hữu rất nhiều mặt hàng hấp dẫn chứ không tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử như Thái Lan.
Theo website TechinAsia, tính đến nay, Indonesia có 15 công ty gọi vốn công bố, giá trị thấp nhất là hơn 1 triệu USD, cao nhất là 100 triệu USD, trải dài ở 6 lĩnh vực là thương mại điện tử, giải pháp doanh nghiệp, truyền thông, đại dữ liệu, nền tảng công nghệ và dịch vụ ẩm thực.
Theo số liệu của AVCJ Research, trong quý I/2016, các khoản đầu tư cho startup ở Indonesia tăng hơn gấp đôi, lên đến 18,9 triệu USD. Mặc dù vậy, Indonesia đang đề ra một kế hoạch rất khiêm tốn. Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Rudiantara Indonesia cho biết, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tạo ra 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp triển vọng vào năm 2020. “Chất lượng, chứ không phải số lượng, mới là ưu tiên của Chính phủ đối với 1.000 doanh nghiệp này”, ông Rudiantara nói.
Trước đây, giới đầu tư Mỹ nhìn về châu Á chỉ chú ý tới Ấn Độ, Trung Quốc song giờ đây, họ quay sang Đông Nam Á. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực phải cạnh tranh với nhau nhằm thu hút nguồn vốn khởi nghiệp này. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ startup ở các nước như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan có nhiều ưu thế.
Ở Việt Nam, đầu tháng 6, tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến việc lập sàn chứng khoán riêng dành cho các công ty khởi nghiệp trong nước. Hiện ý tưởng này đã được Chính Phủ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát triển thành đề án. Nhưng chưa thành hiện thực, ý tưởng này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng việc đưa ra các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hữu hiệu cần thiết hơn là việc lập sàn giao dịch.
Startup tại Việt Nam đang tạo thành một phong trào khởi nghiệp tích cực trong giới trẻ. Ảnh: Sơn Phạm |
Bởi trên thực tế, theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Đại diện Quỹ Đầu tư CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan, dù chưa có sàn huy động vốn nhưng nhiều quỹ nước ngoài vẫn đầu tư được vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Điều cơ bản là chưa có nhiều nhà đầu tư trong nước hiểu hay tin tưởng để đầu tư vào nhóm này nên không thể làm sôi động thị trường dù có mở thêm sàn. Theo ông Dũng, các chính sách đầu tư nên thông thoáng hơn và bỏ bớt giấy phép con; đây là điều mà cả nhà đầu tư lẫn các công ty khởi nghiệp rất cần. Khi thị trường sôi động sẽ thu hút nhiều người tham gia.
Bên cạnh hỗ trợ về môi trường, cơ sở vật chất, pháp lý, chính sách và vốn, các chuyên gia cho rằng, cần đưa cả giáo dục khởi nghiệp vào trường đại học để truyền đạt cho sinh viên thái độ, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp.
Việt Nam thiếu quá nhiều yếu tố cơ bản của một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh sau một thời gian dài tự phát triển. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của ASEAN Business Outlook Survey (ABOS), Việt Nam sở hữu những điều kiện tốt để khởi nghiệp như dân số trẻ, tỉ lệ phổ cập internet ngày càng cao và năng lực nhân sự ngành công nghệ thông tin thuộc hàng tốt nhất Đông Nam Á.
Nhưng khi các nước trong khu vực mở cửa thị trường tài chính hỗ trợ các nhà đầu tư, Việt Nam, được ví như mảnh đất màu mỡ bao vây bởi các hàng rào pháp lý, liệu có còn hấp dẫn? Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation), cho rằng, sự hấp dẫn của các dự án khởi nghiệp phụ thuộc vào độ chín muồi của các ý tưởng, càng chín muồi thì nguồn vốn sẽ càng chảy về. “Trong thế giới phẳng, nguồn lực toàn cầu là một con số cực lớn, tự do di chuyển về nơi có cơ hội; một vài sàn gọi vốn không thể nào hút toàn bộ và giữ được nguồn vốn tự do đó”, ông Hiếu nói.
Vì thế, cũng có khi các doanh nghiệp Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam mở văn phòng đại diện để tận dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng ở Việt Nam với giá thấp. Theo báo cáo của website tuyển dụng MyHiringClub (Ấn Độ) hồi năm ngoái, thu nhập của lao động trong ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam vào khoảng 31.000 USD/năm. Con số này thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. “Startup cũng như Chính phủ Việt Nam cần nắm lấy cơ hội này”, ông Hiếu nhận định.
Đông Sang