Chủ Nhật | 19/01/2014 09:47

Kỳ vọng từ sáng kiến hợp tác nông nghiệp WEF-Việt Nam

Một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đương đầu hiện nay là vấn đề an ninh lương thực.

(Doanh nghiệp) - Một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đương đầu hiện nay là vấn đề an ninh lương thực. Dân số thế giới ngày càng tăng, biến đối khí hậu ngày càng thể hiện rõ....thì việc đảm bảo một nguồn cung lương thực thực phẩm cần thiết là điều không hề đơn giản. Do đó, thế giới cần tìm ra các phương cách hữu hiệu hơn trong việc cải thiện và duy trì sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp toàn cầu.

Sáng kiến Tầm nhìn mới cho ngành Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được khởi đầu năm 2010 tại Việt Nam và cho tới nay đã được thực hiện thêm tại 2 quốc gia Châu Á là Indonesia và Myanmar. Trong đó, mô hình hợp tác công tư (Public – Private Partnership) đã được triển khai khá thành công tại Việt Nam. Và dự định tại hội nghị Davos sắp tới, WEF sẽ đưa sáng kiến này lên tầm khu vực với tên gọi “Grow Asia”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát sẽ tham dự bàn tròn thảo luận để chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của khu vực.

Một số kết quả về mô hình hợp tác PPP này mà Việt Nam đã đạt được là: có hơn 50 tổ chức tham gia, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 17 doanh nghiệp toàn cầu và 4 doanh nghiệp trong nước.

Chương trình hợp tác tập trung vào 5 mảng ưu tiên là thủy sản, cafe, trà, khoai tây và đậu nành với các chương trình sản xuất bền vững, huấn luyện nông dân và tài trợ tài chính. Các thành tựu đạt được cho đến hôm nay gồm có:

Mảng cafe đã thành công trong việc gia tăng năng suất thêm 10%, giảm lượng nước 14% và khí khải 54% tại 75 địa điểm thuộc 4 tỉnh. Mảng trà đã tăng 3 lần sản lượng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao. Mảng thủy sản tăng 20% sản lượng thu mua các loại cá đựơc chứng nhận từ các nhà sản xuất đã được huấn luyện.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường khuôn khổ thế chế và chính sách để hỗ trợ mô hình PPP, mà thông qua đó, chương trình đã có sự tham gia của hơn 5000 nông dân với quy mô canh tác nhỏ
tính đến hiện nay.

“Chính phủ và các doanh nghiệp chia sẻ cùng một mục tiêu là mong muốn nhìn thấy một sự tăng trưởng bền vững và chắc chắn trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đã vạch ra nhiều cách thức để đã có thể làm việc cùng nhau hiệu quả hơn hướng tới mục tiêu này”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện