Công tác đầu tư công đã được đẩy mạnh và triển khai trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có trong năm 2023. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Bảy | 22/06/2024 17:46

Kỳ vọng tỉ lệ giải ngân đầu tư công đạt khoảng 90 - 95% kế hoạch

Năm 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc để hoàn thành kế hoạch hiện tại cũng như bắt đầu xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới 2026-2030.

Ngày 11/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Hà Nội đã vượt TP.HCM để trở thành địa phương được phân bổ lượng vốn nhiều nhất là 81.033 tỉ đồng (+73% so với cùng kỳ năm trước), trong khi đó vốn phân bổ cho Đà Nẵng là 7.292 tỉ đồng (-8% so với cùng kỳ năm trước). 

Công ty Chứng khoán DSC cho rằng việc tăng giảm nguồn vốn phân bổ giữa các thành phố đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chính phủ, tuy nhiên việc tăng nguồn vốn phân bổ cho địa phương có tốc độ giải ngân nhanh của các năm trước và ngược lại, cũng là 1 phương pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân chung trên cả nước và tối ưu hóa nguồn vốn ngân sách. 

 

Xét trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, DSC cho rằng năm 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc để hoàn thành kế hoạch hiện tại cũng như bắt đầu xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới 2026-2030 mà nhìn xa rộng hơn sẽ hướng tới Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ. Chính vì vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 được dự báo sẽ được Chính phủ và Quốc hội rất sát sao, bên cạnh đó các vướng mắc, khó khăn như tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây dựng, chậm giải phóng mặt bằng hay thủ tục hành chính còn chưa tinh gọn sẽ tiếp tục được giải quyết tháo gỡ triệt để. 

“Quyết định 1603/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỉ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023), tuy nhiên chúng tôi cũng kỳ vọng tỉ lệ giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện, đạt khoảng 90 - 95% kế hoạch”, DSC nhận định. 

 

Dự kiến trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đầu tư và khởi công 14 dự án đường bộ cao tốc, bên cạnh đó, hệ thống đường sắt cũng sẽ được chú trọng và đầu tư hơn trong giai đoạn này. Dự kiến 1 số tuyến đường sắt quan trọng như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hay TP.HCM - Cần Thơ sẽ được đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, “siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn đầu tư ước tính trên 70 tỉ USD cũng kỳ vọng được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2024. 

Theo DSC, nhờ việc đẩy mạnh tăng trưởng vốn đầu tư công qua các năm mà Việt Nam luôn nằm trong top các quốc gia có tỉ lệ chi cho cơ sở hạ tầng/GDP cao nhất khu vực, đạt 6,3% vào năm 2019 và trung bình 5,7% trong những năm gần đây, cao mức trung bình 5,4% của các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp. 

Mặc dù công tác đầu tư công đã được đẩy mạnh và triển khai trên cả nước với quy mô lớn chưa từng có trong năm 2023, tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này, như tình trạng thiếu hụt, biến động giá cả vật liệu xây dựng, chậm giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ dự án. 

“Chúng tôi đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm phân hóa đối với các doanh nghiệp xây dựng đầu tư công, các doanh nghiệp có uy tín, năng lực thi công cao và sức khỏe tài chính ổn định sẽ là nhóm chiếm ưu thế trong việc đấu thầu các dự án đầu tư công”, DSC nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt