Thứ Hai | 16/12/2013 10:19

Kỳ vọng lạm phát thấp hơn mục tiêu

Mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 đã thành hiện thực. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

CPI tháng cuối năm chỉ tăng 0,62%

Theo lịch công bố thông tin của Tổng cục Thống kê, phải đến ngày 24/12/2013 cơ quan này mới chính thức công bố con số cụ thể về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 và cả năm 2013.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định các cơ quan được giao quản lý giá cả một số mặt hàng, dịch vụ như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… đặc biệt là NHNN, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu “ổn định giá trị đồng tiền”, đã có thể hài lòng về kết quả kiểm soát lạm phát năm nay.


Lạm phát được kiềm chế hỗ trợ ổn định thu nhập của người dân

Cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát của các TCTD do Vụ Dự báo, Thống kê tiền tệ (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, các TCTD kỳ vọng lạm phát thấp hơn mục tiêu của năm nay. Cụ thể là CPI tháng 12/2013 có thể chỉ tăng 0,62% so với tháng trước. Hay, tốc độ tăng CPI cả năm 2013 chỉ ở mức 6,15%. Cơ sở cho mức lạm phát kỳ vọng thấp nói trên đến từ những phân tích diễn biến giá cả trong năm nay, cũng như thời gian gần đây.

Về xu hướng biến động CPI, kể từ tháng 6/2013 trở lại đây, tốc độ tăng theo tháng có xu hướng tăng cao hơn so với đầu năm và đạt mức cao nhất trong 2 tháng cuối của quý III/2013 (tháng 8/2013 tăng 0,83% và tháng 9/2013 tăng 1,06%). Tuy nhiên, tốc độ tăng lại có biểu hiện giảm từ tháng 10 (0,49%). Đến hết tháng 11/2013, tốc độ tăng CPI so với cuối năm ngoái chỉ ở mức 5,5%, trong đó riêng tháng 11 có tốc độ tăng 0,34%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Ở bối cảnh hiện nay, có thể cho rằng CPI tháng 12/2013 khó xảy ra một sự đột biến về tốc độ tăng. Cũng bởi, nhìn từ phía giá cả thị trường, tốc độ tăng CPI tháng 12/2013 sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá gas khá mạnh gần đây và xu hướng giá cả thường tăng lên khi Tết Âm lịch đến gần... Tuy nhiên, sức cầu yếu của nền kinh tế sẽ vẫn là nhân tố quan trọng làm “chùn bước” tốc độ tăng của giá cả.

Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 đã thành hiện thực (tăng khoảng 8% theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Quốc hội và tăng 6 - 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ). Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

CPI năm 2014 có thể tăng 6,74%

Trước những con sóng suy giảm kinh tế thế giới những năm vừa qua, các chính sách và biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đã được Chính phủ chủ động đưa ra.

Theo đó, CPI đã giảm rõ rệt, từ mức tăng 23,02% so với cùng kỳ vào tháng 8/2011 xuống chỉ còn tăng 7,5% ở tháng 8/2013 và 5,78% tại tháng 11/2013. Cũng theo kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát nói trên, CPI trong năm 2014 được dự báo chỉ tăng ở mức một con số, khoảng 6,74%. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn là một thách thức lớn đối việc việc kiểm soát lạm phát năm 2014 bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, theo nhận định của các TCTD, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm tới. Trong khi đó, giá hầu hết các mặt hàng này vẫn tiếp tục hướng tới mục tiêu “xác lập theo nguyên tắc thị trường” mà giá điện, giá xăng dầu đang đợi “thời cơ” điều chỉnh. Thứ hai, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, cùng với phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ thì có thể khẳng định: Giá cả năm 2014 sẽ chịu áp lực không nhỏ từ việc mở rộng tài khóa.

Với những áp lực trên, bài toán đặt ra cho NHNN trong việc kiểm soát tiền tệ và giá cả trong năm 2014 lại có thêm những giả thiết mới. Và một lần nữa, vấn đề tưởng như không mới nhưng chưa bao giờ cũ lại được đặt ra, đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần được phối hợp nhịp nhàng ở một tầm cao mới. Có như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2014 khoảng 7% như mục tiêu Quốc hội đề ra mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện